Theo số liệu thống kê trên trang Worldometer, trong ngày 27-3, Mỹ ghi nhận thêm 16.961 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 102.396 ca. Cũng trong ngày 27-3, Mỹ có thêm 312 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì Covid-19 tại Mỹ lên 1.607.
Mỹ hiện là quốc gia có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất thế giới, tiếp theo là Ý với 86.498 ca và Trung Quốc 81.340 ca. Trên toàn thế giới, các trường hợp được xác nhận nhiễm Covid-19 đã tăng hơn 594.300, với 27.251 ca tử vong, theo số liệu theo dõi của trường ĐH Johns Hopkins.
Nhân viên y tế ở Oklahoma đeo khẩu trang và găng tay bảo vệ, vận chuyển bệnh nhân mắc Covid-19. Ảnh: REUTERS
Trong khi New York tiếp tục là bang bùng phát dịch mạnh nhất ở Mỹ, tình hình tại nhiều địa phương khác cũng bắt đầu tồi tệ hơn với số ca nhiễm tăng vọt tại các thành phố như New Orleans, Chicago và Detroit. Các bệnh viện ở TP New York, New Orleans, Detroit và các điểm nóng khác đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự khan hiếm thuốc, vật tư y tế và nhân viên y tế.
New York hiện có hơn 44.600 người nhiễm Covid-19, trong đó số người nhập viện là hơn 6.000 người. Số người tử vong ở bang này là 519 người.
Thống đốc Andrew Cuomo kêu gọi bổ sung thêm hàng ngàn giường bệnh và máy thở, đồng thời biến một trung tâm hội nghị thành bệnh viện dã chiến. Thống đốc Cuomo cũng cho biết thêm các trường học ở New York vẫn đóng cửa cho đến ít nhất là ngày 15-4.
Nhân viên y tế bên ngoài bệnh viện Elmhurts ở New York, tâm điểm dịch lớn nhất nước Mỹ lúc này. Ảnh: REUTERS
Bác sĩ Arabia Mollette thuộc Trung tâm Y tế Brookdale ở Brooklyn chia sẻ: "Chúng tôi rất sợ. Chúng tôi đang cố gắng chiến đấu vì cuộc sống của mọi người. Nhưng giờ đây cũng chiến đấu vì cuộc sống của mình, vì chúng tôi có nguy cơ bị phơi nhiễm cao nhất".
Một bác sĩ phòng cấp cứu ở bang Michigan, một ổ dịch mới, cho biết ông đã sử dụng một khẩu trang giấy cho toàn ca trực nhiều giờ đồng hồ do thiếu hụt và các bệnh viện ở khu vực Detroit sẽ sớm hết máy thở.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hạ viện Mỹ ngày 27-3 (giờ Mỹ) đã bỏ phiếu thông qua gói kích thích kinh tế lịch sử 2.200 tỉ USD và Tổng thống Donald Trump nhanh chóng ký thành luật.
Tổng thống Donald Trump nhanh chóng ký gói cứu trợ kỷ lục hôm 27-3. Ảnh: AP
Đạo luật này bao gồm các khoản hỗ trợ tiền mặt cho hầu hết những người dân Mỹ, trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thực phẩm, các khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ, các quỹ hỗ trợ cho các bệnh viện bị quá tải và những ngành chịu ảnh hưởng lớn như hàng không. Theo gói cứu trợ, tiền trợ cấp thất nghiệp sẽ tăng thêm 600 USD/tuần và những người trước đó không đủ điều kiện được hỗ trợ như những người tự làm chủ cũng sẽ được nhận trợ cấp.
Trong khuôn khổ gói cứu trợ này, mỗi người Mỹ trung lưu và thu nhập thấp sẽ được nhận một tấm séc trị giá 1.200 USD, một cặp vợ chồng được hỗ trợ 2.400 USD, người có con nhỏ sẽ được nhận thêm 500 USD cho mỗi người con dưới 17 tuổi.
Trước đó, Hạ nghị sĩ Thomas Massie (Đảng Cộng hòa, bang Kentucky) tuyên bố phản đối dự luật này, khiến cho Lãnh đạo phe đa số Hạ viện Steny Hoyer (Đảng Dân chủ) phải cảnh báo các thành viên Hạ viện vào đêm 26-3 rằng có khả năng dự luật sẽ không thể được thông qua bằng biểu quyết lời nói. Ông Massie nghĩ rằng dự luật chứa quá nhiều chi tiêu phát sinh bên ngoài và trao quá nhiều quyền lực cho Cục Dự trữ Liên bang - ngân hàng trung ương của Mỹ.
Một số thành viên Hạ viện bày tỏ sự phẫn nộ đối với ông Massie, khiến cho hàng trăm hạ nghị sĩ khác phải lặn lội đường xa và mạo hiểm nguy cơ dịch bệnh để tới tòa nhà quốc hội và biểu quyết.
Bình luận (0)