Theo SBS News, biến thể kép B.1.617 được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ sẽ được phân thành 2 dòng B.1.617.1 và B.1.617.2, với tên gọi mới lần lượt là Kappa và Delta.
Bên cạnh những tên gọi này, có 2 tên khoa học khác được sử dụng cho mỗi đột biến, trong khi các tên địa lý khác nhau được sử dụng để mô tả cùng một biến thể.
Chẳng hạn, trong nội địa Anh, biến thể mà những quốc gia khác gọi là biến thể Anh sẽ được gọi là biến thể Kent, hạt ở Đông Nam Anh, nơi nó được phát hiện lần đầu. Những tên gọi dùng để phân dòng như B.1.1.7.2 vẫn sẽ được sử dụng trong cộng đồng khoa học vì thông tin đột biến mà tên gọi của chúng truyền tải.
Hệ thống đặt tên biến thể virus SARS-CoV-2 mới của WHO. Ảnh chụp màn hình
"Mặc dù có lợi thế, những tên khoa học này có thể khó nói và khó nhớ, dễ bị báo cáo sai. Kết quả là, mọi người thường gọi những biến thể này bằng địa điểm nơi chúng được phát hiện, dẫn đến tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử. Để tránh tình trạng này cũng như để đơn giản hóa liên lạc trong cộng đồng, WHO khuyến khích giới chức các nước, truyền thông và những tổ chức khác bắt đầu sử dụng những tên gọi mới" – WHO giải thích.
Bảng chữ cái Hy Lạp có 24 ký tự nhưng hiện chưa có kế hoạch tiếp nối trong trường hợp sử dụng hết. Epsilon, Zeta, Eta, Theta và Iota đã được sử dụng để mô tả những biến thể liên quan.
Ảnh chụp màn hình
Cũng trong ngày 31-5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích Tổng thống Joe Biden sau khi ông yêu cầu cộng đồng tình báo Mỹ "gấp đôi nỗ lực" để điều tra nguồn gốc Covid-19 và báo cáo trong 90 ngày.
Theo người phát ngôn Uông Văn Bân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, với lời kêu gọi trên, Tổng thống Biden muốn "leo thang căng thẳng, khoét sâu mâu thuẫn". Thông qua việc kêu gọi cộng đồng tình báo điều tra nguồn gốc Covid-19, theo ông Uông, Mỹ "đang cố tình chỉ trích" các chuyên gia của WHO và làm "gián đoạn nghiêm trọng" nỗ lực hợp tác của cộng đồng quốc tế.
"Chúng tôi yêu cầu một số nước, trong đó có Mỹ, ngừng ngay lập tức chiến dịch chính trị hóa, cũng như chiến dịch hủy hoại hợp tác toàn cầu trong nghiên cứu tìm hiểu nguồn gốc Covid-19 vì mưu đồ chính trị riêng" – ông Uông nói.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân. Ảnh: Reuters
Nhằm bảo vệ Viện Virus học Vũ Hán (WVI) của họ trước giả thuyết Covid-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm, Trung Quốc thường viện dẫn báo cáo của nhóm chuyên gia do WHO dẫn đầu vào đầu năm nay. Nhóm này, gồm 12 chuyên gia quốc tế và 13 chuyên gia Trung Quốc, khẳng định hồi tháng 3 rằng SARS-CoV-2 nhiều khả năng lây từ dơi sang người và giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm "rất khó xảy ra".
Dù vậy, giả thuyết này thời gian qua nhận được sự quan tâm gia tăng, sau khi tình báo Mỹ khẳng định nhiều nhà nghiên cứu tại WVI đổ bệnh và nhập viện vào tháng 11-2019 - một tháng trước khi những ca mắc Covid-19 đầu tiên được phát hiện.
Mỹ tuần trước kêu gọi WHO tiến hành giai đoạn 2 của cuộc điều tra, đồng thời yêu cầu Trung Quốc trao cho các nhà điều tra độc lập quyền tiếp cận 100% đối với mọi dữ liệu và mẫu vật liên quan đến Covid-19 để đảm bảo tính minh bạch.
Bình luận (0)