Công ty khai thác và thăm dò khoáng sản của Trung Quốc Molybdenum Co. (CMOC) đã củng cố vị thế của mình trong ngành mỏ ở Congo sau khi mua lại 95% cổ phần (trị giá 550 triệu USD) trong dự án mỏ đồng-coban tại Kisanfu - Congo từ công ty Mỹ Freeport-McMoRan.
Công ty này cho biết Kisanfu là một trong những dự án đồng và coban chưa phát triển cao cấp, lớn nhất thế giới khi chứa khoảng 6,3 triệu tấn đồng và 3,1 triệu tấn coban. Kisanfu, nằm ở tỉnh Lualaba, cách mỏ Tenke-Fungurume khoảng 33 km về phía Tây Nam. Tenke-Fungurume cũng là một mỏ đồng-coban được CMOC mua từ Freeport-McMoran vào năm 2016.
Ông Steele Li, một thành viên cấp cao của CMOC, nói: "Việc mua lại Kisanfu dự kiến củng cố thêm vị trí của công ty trong lĩnh vực vật liệu coban và xe điện. Nó cũng cho thấy cam kết lâu dài của công ty đối với Congo".
Mỏ Tenke-Fungurume tại Congo. Ảnh: Reuters
Nhà phân tích Mark Bohlund thuộc công ty tư vấn REDD Intelligence cho biết Trung Quốc xem đồng là tài sản chiến lược và sự quan tâm của nước này đến ngành mỏ của Congo đã có từ lâu. Thương vụ Kisanfu đã khiến tổng đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực khai thác mỏ Congo đạt gần 10 tỉ USD kể từ năm 2012.
Vụ mua lại nói trên trùng thời điểm giá đồng đang lên. Sau nhiều tháng sụt giảm nhu cầu, với giá giảm xuống dưới 4.500 USD/tấn hồi tháng 3, giá đồng đã tăng lên 8.000 USD/tấn vào tuần trước. Đây là lần đầu tiên mức giá này xuất hiện trong hơn 7 năm qua, theo báo South China Morning Post.
Ông Samuel Burman, trợ lý kinh tế hàng hóa tại công ty tư vấn Capital Economics có trụ sở tại London - Anh, cho biết đồng tăng giá là do đồng USD giảm giá và nhu cầu cao ở Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cho rằng giá cả đã bị phóng đại bởi sự đầu cơ của nhà đầu tư. "Chúng tôi nghĩ giá đồng sẽ giảm vào năm sau do việc Trung Quốc rút dần các biện pháp kích thích tài khóa, ảnh hưởng đến nhu cầu" - ông Burman nói.
Trong khi đó, nhu cầu về coban đã tăng đáng kể trong những năm gần đây vì nó được dùng để sản xuất pin xe điện, lĩnh vực mà Trung Quốc đang đầu tư mạnh.
Ngoài CMOC, nhiều công ty Trung Quốc khác như Tập đoàn khai thác kim loại màu Trung Quốc (CNMC) và Tập đoàn Khoáng sản và Kim loại cũng sở hữu cổ phần đáng kể trong các mỏ đồng và coban ở Congo.
Vào năm 2015, CNMC ký kết 1 thỏa thuận trị giá 2 tỉ USD với Gécamines, công ty mỏ do chính quyền Congo sở hữu, cho mỏ đồng và coban Deziwa. Theo ước tính, mỏ có 4,6 triệu tấn đồng và 420.000 tấn coban.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Cộng hòa Dân chủ Congo là nước sản xuất coban lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 60% sản lượng. Lĩnh vực trước đây nằm trong tay các công ty châu Âu và Mỹ đang dần dần rơi vào tay công ty Trung Quốc. Vào tháng trước, ông John Kanyoni, phó chủ tịch Phòng Khai thác mỏ Congo, cho biết các công ty Trung Quốc kiểm soát khoảng 70% ngành khai thác mỏ nước này.
Bình luận (0)