Vụ phóng thất bại chỉ hai ngày sau khi ông Kim Jong-un được bổ nhiệm làm Bí thư thứ nhất Đảng Lao Động Triều Tiên và sau đó là Chủ tịch Quân ủy trung ương đảng vào ngày 11-4.
Ông Brian Myers, giáo sư tại Đại học Dongseo ở Busan – Hàn Quốc, nhận định: “Kim Jong-un mất thể diện quá nhiều vì vụ phóng vệ tinh thất bại”. Đây là thử thách nghiêm trọng đầu tiên dành cho người kế vị đời thứ ba của nhà họ Kim.
Ông Kim Jong-un được bầu làm Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Triều Tiên ngày 11-4. Ảnh: Reuters
"Cách họ ứng phó với sự cố này cho thấy có chút thay đổi trong giới lãnh đạo Triều Tiên. Trong quá khứ họ chưa hề thừa nhận thất bại trong việc phóng tên lửa. Việc hãng thông tấn Triều Tiên KCNA chính thức thừa nhận vệ tinh không lên được quỹ đạo chắc chắn là quyết định của Kim Jong-un” – ông Baek Seung-joo của Viện Nghiên cứu quốc phòng Hàn Quốc phân tích.
Trước đây, có thông tin Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã đề xuất hoãn vụ phóng vệ tinh nhưng bị ông Kim Jong-un bác bỏ dưới sức ép của giới quân sự. “Chắc chắn Triều Tiên sẽ phải tìm ai đó chịu trách nhiệm cho thất bại này. Và tôi rất tò mò không biết giới quân sự sẽ phải chịu hình phạt gì” – giáo sư Lee Jong-won của Đại học Waseda ở Tokyo – Nhật nói.
Còn ông Andrei Lankov, giáo sư tại Đại học Kookmin ở Seoul, nói: “Triều Tiên muốn cho cả thế giới thấy họ đủ sức phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa. Thất bại này sẽ làm giảm đáng kể yêu sách của họ trên bàn đàm phán”.
Tuy nhiên, thất bại này có thể khiến Triều Tiên quyết tâm “gỡ gạc” bằng một vụ thử hạt nhân dưới lòng đất. Cách đây vài ngày, tình báo Hàn Quốc cảnh báo Triều Tiên có thể thử một thiết bị hạt nhân ngay sau khi phóng tên lửa.
Nếu Triều Tiên phóng tên lửa thành công, Trung Quốc sẽ còn ê mặt hơn. Ảnh: Tân Hoa Xã
Ngày 13-4, cuối cùng Trung Quốc cũng lên tiếng sau vụ Triều Tiên phóng vệ tinh thất bại. Bắc Kinh đã kêu gọi các bên bình tĩnh và kiềm chế. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân nói: "Chúng tôi hy vọng tất cả các bên liên quan có thể giữ thái độ bình tĩnh và kiềm chế, đồng thời không có những hành động gây phương hại cho hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực".
Tuy vậy, theo nhận định của giới quan sát, việc Triều Tiên kiên quyết phóng vệ tinh đã ảnh hưởng đến quan hệ Trung – Triều.
“Dù viện trợ cho Triều Tiên quá nhiều nhưng Triều Tiên lại không nghe lời Trung Quốc. Vụ này cũng làm xói mòn quan hệ Mỹ - Trung vì Mỹ nghi ngờ Trung Quốc không gây sức ép đủ mạnh với Triều Tiên. Vậy là Bắc Kinh thành kẻ thua cuộc, nhưng sẽ còn thua thảm hại hơn nếu Bình Nhưỡng thành công” – giáo sư Shen Dingli của Đại học Fudan (Thượng Hải) nhận định.
Bình luận (0)