Nhà Trắng hôm 3-6 công bố kế hoạch chia sẻ 25 triệu liều vắc-xin Covid-19 ngay trong tháng này cho nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây là đợt bàn giao đầu tiên trong tổng số 80 triệu liều vắc-xin đã được Tổng thống Joe Biden cam kết cung cấp cho thế giới vào cuối tháng này.
Theo kế hoạch chi tiết mới công bố, Mỹ sẽ cung cấp gần 19 triệu liều vắc-xin cho COVAX (cơ chế tiếp cận vắc-xin Covid-19 toàn cầu). Thông qua cơ chế này, khoảng 6 triệu liều sẽ được chuyển đến các quốc gia Nam Mỹ và Trung Mỹ, như Brazil, Argentina, Colombia... và những quốc gia khác trong Cộng đồng Caribbean (CARICOM).
Khoảng 7 triệu liều sẽ được bàn giao cho các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Khoảng 5 triệu liều sẽ được chuyển đến châu Phi để chia sẻ cho các nước được lựa chọn với sự hỗ trợ của Liên minh châu Phi. Phần còn lại, khoảng 6 triệu liều, sẽ được Mỹ cung cấp trực tiếp cho đối tác và các nước được ưu tiên, trong đó có Mexico, Canada, Hàn Quốc... cũng như cho lực lượng chống dịch tiền tuyến của Liên Hiệp Quốc.
Nhà Trắng khẳng định đây là một phần trong chiến lược biến Mỹ thành "kho vắc-xin của thế giới" như cam kết của Tổng thống Joe Biden.
Để đạt được tham vọng này, ngoài cung cấp vắc-xin và viện trợ tài chính mạnh mẽ cho COVAX, chính quyền Tổng thống Joe Biden còn triển khai những bước đi khác, bao gồm san sẻ vắc-xin từ nguồn cung của Mỹ cho thế giới, khuyến khích các quốc gia khác làm điều tương tự, hợp tác với các nhà sản xuất Mỹ để đẩy mạnh sản xuất vắc-xin cho thế giới, đồng thời tạo điều kiện cho các nước mở rộng năng lực sản xuất thông qua những giải pháp như hỗ trợ chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tham quan một cơ sở sản xuất vắc-xin của hãng Pfizer ở TP Kalamazoo, bang Michigan - Mỹ gần đâyẢnh: The New York Times
Cũng theo Nhà Trắng, chính quyền Tổng thống Joe Biden còn đang thu hồi đặc quyền mà họ ban bố thông qua Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA) dành cho một số nhà sản xuất vắc-xin đã được Mỹ tài trợ nhưng chưa được phê duyệt sản phẩm, như AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) và Novavax (Mỹ).
Trong khuôn khổ của DPA, các nhà sản xuất Mỹ được ưu tiên tiếp cận sản phẩm và thiết bị do Mỹ sản xuất để bào chế vắc-xin. Việc thu hồi đặc quyền này có thể giải phóng nguồn nguyên liệu thô, giúp các nhà sản xuất ở nước khác sản xuất vắc-xin dễ dàng hơn, đặc biệt là Viện Serum Ấn Độ (SII).
Những tuyên bố trên được đưa ra 1 tuần trước khi Tổng thống Joe Biden lên đường đến Anh để hội đàm với lãnh đạo các nước G7 (nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới) về nhiều vấn đề, trong đó có nguồn cung vắc-xin toàn cầu.
Giới chức Mỹ khẳng định chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ chia sẻ thêm vắc-xin cho thế giới xuyên suốt hè này khi có nguồn cung. "Đây chỉ là sự khởi đầu. Trong vài tuần tới, Mỹ sẽ phân phối vắc-xin đều đặn cho toàn thế giới" - điều phối viên ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng, ông Jeffrey Zients, khẳng định.
Cùng ngày, các nhà tài trợ của COVAX thông báo Pháp đã tặng Senegal 184.000 liều vắc-xin AstraZeneca thông qua cơ chế này. Đây là lô vắc-xin thứ 2 mà Senegal nhận được qua COVAX, sau đợt đầu tiên gồm 324.000 liều AstraZeneca hồi tháng 3. Động thái trên được Pháp tiến hành trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn cam kết gia tăng đóng góp cho COVAX, vốn đặt mục tiêu phân phối 2 tỉ liều vắc-xin Covid-19 cho các nước có thu nhập thấp đến cuối năm nay.
Theo hãng tin JiJi Press, chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) hôm 4-6 đã nhận được 1,24 triệu liều vắc-xin AstraZeneca do chính phủ Nhật Bản viện trợ khẩn cấp. Trước đó, tại một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hôm 2-6, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cam kết tài trợ thêm cho COVAX 800 triệu USD trong nỗ lực bảo đảm vắc-xin Covid-19 được phân phối công bằng trên thế giới.
Đề xuất tham vọng của chủ nhà APEC 2021
New Zealand đang thúc đẩy 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) dỡ bỏ tất cả thuế quan đối với vắc-xin Covid-19 và các sản phẩm y tế liên quan. Theo New Zealand, một thỏa thuận như thế là cần thiết để APEC ứng phó tốt hơn dịch bệnh hiện nay.
Là nước chủ nhà APEC 2021, New Zealand dự kiến tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC trực tuyến vào ngày 5-6. Theo Reuters, nước chủ nhà sẽ thúc đẩy các thành viên, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nga, ký vào 2 văn kiện liên quan đến dịch Covid-19 bên cạnh tuyên bố chung dự kiến được đưa sau hội nghị.
Toàn bộ 21 nền kinh tế APEC dự kiến nhất trí áp dụng các hướng dẫn nhằm giúp giảm sự trì hoãn trong hoạt động xuất khẩu vắc-xin Covid-19. Các thành viên nhiều khả năng ủng hộ mạnh mẽ việc dỡ bỏ bảo hộ bản quyền đối với vắc-xin Covid-19. Tuy nhiên, đề xuất miễn thuế đối với thuốc, thiết bị y tế, phẫu thuật, sản phẩm vệ sinh và các hàng hóa khác đang gây tranh cãi.
Mặc dù mức thuế vắc-xin trong APEC khá thấp (bình quân 0,8%), con số này lại cao hơn nhiều đối với những hàng hóa đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng vắc-xin. Chẳng hạn như dung dịch cồn, thiết bị đông lạnh, vật liệu đóng gói và bảo quản... chịu mức thuế bình quân trên 5%. Một số nền kinh tế APEC áp thuế nhập khẩu lên đến 30%.
Đề xuất trên được đưa ra giữa lúc có nhiều nỗi lo về tình trạng bất bình đẳng trong chương trình tiêm chủng Covid-19 trên thế giới. Theo trang Bloomberg ngày 4-6, hơn 2 tỉ liều vắc-xin Covid-19 đã được tiêm cho người dân trên thế giới kể từ khi chiến dịch này bắt đầu 6 tháng trước. Vấn đề là 29% số mũi tiêm này được tiến hành tại 27 nước giàu nhất thế giới dù các nước này chỉ chiếm 10% dân số toàn cầu.
Xuân Mai
Bình luận (0)