Các điểm bỏ phiếu tại Pháp đã mở cửa lúc 8 giờ sáng (giờ địa phương, tức 13 giờ Việt Nam) và sẽ đóng cửa lúc 20 giờ.
Toàn nước Pháp có 85.000 trạm phiếu. Dự kiến hơn 43 triệu cử tri sẽ đi bỏ phiếu vòng hai này.
Cử tri bỏ phiếu ở Lyon ngày 6-5. Ảnh: REUTERS
Công dân Pháp bỏ phiếu ở Đại sứ quán tại Makati, phía nam Manila - Philippines ngày 6-5. Ảnh: AP
Các điểm bỏ phiếu ở những vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp đã mở cửa trước đó 1 ngày. Khoảng 1 triệu cử tri Pháp sống ở nước ngoài đã đi bầu cử sớm hơn. Người Pháp ở Canada, Mỹ, Úc cùng các nước Nam Mỹ đã bỏ phiếu ngày 5-5.
Ông Hollande sẽ bỏ phiếu ở Tulle, trung tâm chính trị của ông ở miền trung nước Pháp, trong khi tổng thống sắp mãn nhiệm Sarkozy bỏ phiếu ở Quận 16 giàu có của Paris.
Kết quả các cuộc thăm dò cuối cùng được công bố ngày 4-5 cho thấy ông Hollande vẫn có nhiều khả năng thắng cử hơn dù cách biệt về tỉ lệ ủng hộ so với ông Sarkozy đã bị thu hẹp - 52% ủng hộ ông Hollande và 48% ủng hộ ông Sarkozy.
Chân dung hai ông Hollande (trái) và Sarkozy trước cổng Đại sứ quán Pháp ở Hà Nội. Ảnh: Reuters
Người dân Pháp xếp hàng đi bầu cử ở Montreal - Canada.
Montreal là thành phố đông người Pháp nhất Bắc Mỹ và có khoảng 44.000 cử tri. Ảnh: GM
Một cử tri Pháp tại thủ đô Santo Domingo - Cộng hòa Dominica
giải thích cho con về cách bầu cử tại Đại sứ quán Pháp. Ảnh: GM
Trong vòng một bầu cử hôm 22-4, ứng cử viên Hollande đã giành được 28,2% số phiếu ủng hộ, trong khi ông Sarkozy nhận được 27% số phiếu. Kết quả sơ bộ bầu cử vòng hai dự kiến được công bố sau khi các điểm bỏ phiếu đều đóng cửa.
Nếu giành chiến thắng, ông Hollande sẽ là người đầu tiên của đảng Xã hội lãnh đạo nước Pháp kể từ khi ông Francois Mitterrand rời nhiệm sở vào năm 1995. Nếu thất bại, ông Sarkozy sẽ trở thành nhà lãnh đạo thứ 11 của châu Âu bị mất ghế do khủng hoảng kinh tế, đồng thời là tổng thống Pháp đầu tiên không chiến thắng ở vòng 2 kể từ thời Tổng thống Valery Giscard d'Estaing năm 1981.
Bình luận (0)