Không chờ tới hạn chót 12-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ đẩy nhanh thời điểm thông báo quyết định cuối cùng đối với thỏa thuận hạt nhân Iran - bị ông gọi là "thảm họa" và "tồi tệ nhất" này lên sớm 4 ngày (giờ địa phương).
Cần thận trọng
Theo luật Mỹ, cứ 120 ngày một lần, tổng thống nước này phải quyết định có tiếp tục gia hạn miễn trừ các lệnh trừng phạt mà quốc hội áp đặt trước đó với Iran hay không. Không gia hạn lệnh miễn trừ vào ngày 12-5 tới sẽ là tín hiệu Washington muốn rút khỏi thỏa thuận hạt nhân được đàm phán dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Thỏa thuận ký kết năm 2015 còn được biết đến với tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), trong đó Mỹ, Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức nhất trí dỡ bỏ trừng phạt với Iran để đổi lại những hạn chế trong chương trình hạt nhân của nước này.
Trước khi ông Trump công bố quyết định mà đài CNN mô tả là khiến cả thế giới nín thở chờ đợi, một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa, bao gồm cả những nhân vật lâu nay vẫn chỉ trích JCPOA, tiếp tục hối thúc tổng thống Mỹ cố gắng thay đổi chứ không rút hoàn toàn khỏi thỏa thuận.
Từng chống đối mạnh mẽ JCPOA, Thượng nghị sĩ Lamar Alexander hôm 7-5 nói với đài NBC rằng cần hết sức thận trọng khi có bất cứ thay đổi nào đối với một thỏa thuận đã được nước Mỹ - dù chỉ là tổng thống - ký kết với đồng minh và nước khác. Theo ông Alexander, dù còn nhiều sai sót nhưng ít nhất thỏa thuận này cũng mang lại một "cửa sổ" để thấy Tehran đang làm gì và từ đó hạn chế họ phát triển vũ khí hạt nhân.
Hãng thông tấn AP cho rằng từ vấn đề an ninh đến kinh tế, hàng tỉ USD trong các chương trình hợp tác quốc tế có thể bị ảnh hưởng bởi quyết định của ông Trump. Dù vậy, giới chuyên gia kinh tế cho rằng giá dầu nhiều khả năng cũng không thể tăng đáng kể.
Tổng thống Donald Trump vẫy chào đám đông tại một sự kiện tại Nhà Trắng hôm 7-5 Ảnh: REUTERS
Hậu quả khó lường
Theo bình luận của CNN, rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran có thể châm ngòi một cuộc khủng hoảng toàn cầu nguy hiểm. Một động thái như vậy có thể là khoảnh khắc dấu ấn cho nhiệm kỳ của ông Trump. Nó mang lại cơ hội gắn kết triết lý "Nước Mỹ trên hết" của ông chủ Nhà Trắng nhưng lại mạo hiểm châm ngòi cho những hậu quả khó lường - kịch bản tồi tệ nhất có thể dẫn tới chiến tranh với Iran.
Mặt khác, rời bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran tiếp tục cho thấy một sự quay lưng nữa của Mỹ với ngoại giao đa phương - vốn được chính quyền tiền nhiệm của ông Trump nỗ lực củng cố, đồng thời cũng là cách tiếp cận của chính sách đối ngoại nước này đã theo đuổi trong phần lớn thế kỷ XX. Rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với kẻ thù của Mỹ trong khi cố gắng thương lượng một thỏa thuận khác với Triều Tiên hẳn là một chiến lược ngoại giao khó lý giải.
Ông Trump từng nhiều lần khẳng định nước Mỹ sẽ rút ra khỏi thỏa thuận. Thậm chí trước khi vào Nhà Trắng, ông từng hứa hẹn xóa bỏ ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức. Tuy vậy, giới phân tích cho rằng có một lựa chọn ít nhiều giúp vị tổng thống không bị coi là thất hứa với những người ủng hộ trung thành, đồng thời cũng không đẩy mâu thuẫn tới cao trào với các đồng minh ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran: ông vẫn từ chối gia hạn miễn trừ trừng phạt Iran nhưng ngừng việc áp đặt các trừng phạt mới ngay lập tức.
Trong trường hợp đó, các đồng minh châu Âu của Mỹ vẫn còn một khe cửa hẹp để tiếp tục thuyết phục nhà lãnh đạo nền kinh tế số 1 thế giới ở lại thỏa thuận. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly hôm 8-5 nói trên đài phát thanh RTL rằng thỏa thuận hạt nhân Iran suy yếu sẽ thêm dầu vào lửa ở khu vực vốn đang nóng bỏng này.
Bình luận (0)