Nỗi lo chủ yếu đến từ nguy cơ nội dung trao đổi bị rò rỉ sau những gì xảy ra với cuộc điện đàm giữa ông Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm 25-7. Dư âm của cuộc điện đàm gây tranh cãi này đã dẫn đến cuộc điều tra luận tội nhằm vào ông chủ Nhà Trắng của Hạ viện Mỹ.
Những nghị sĩ Mỹ đang dẫn đầu cuộc điều tra hiện còn yêu cầu tiếp cận nội dung các cuộc điện đàm giữa ông Trump và một số nhà lãnh đạo khác do nỗi lo ông Trump có thể gây hại đến an ninh quốc gia.
"Người ta phải thích ứng với thực tế rằng điện đàm với Tổng thống Trump không giống như điện đàm với một nhà lãnh đạo thông thường" - cựu Đại sứ Pháp tại Mỹ Gerard Araud, người từng giúp tổ chức nhiều cuộc điện đàm giữa Tổng thống Emmanuel Macron và Nhà Trắng, nhận định.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một lần điện đàm tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters
Đối với bất kỳ nhà lãnh đạo nào, ý tưởng công bố bản ghi chép nội dung điện đàm là một nỗi lo ngại không nhỏ, đe dọa ảnh hưởng đến nền ngoại giao quốc tế. Dù vậy, theo ông Araud, nỗi lo lớn hơn là ông Trump có xu hướng lái câu chuyện đi theo hướng khó lường, khiến người bên kia đầu dây cảm thấy không an tâm.
Dấu hiệu cảnh báo đã xuất hiện không lâu sau khi ông Trump nhậm chức hồi tháng 1-2017.
Vài ngày sau khi lên nắm quyền, ông Trump có cuộc điện đàm với Thủ tướng Úc khi đó là ông Malcolm Turnbull và hai bên có đề cập đến thỏa thuận di cư song phương. Tờ The Washington Post sau đó rò rỉ nội dung cuộc điện đàm, khiến ông Turnbull gặp rắc rối trong nước vì lập trường chống nhập cư cứng rắn.
Bộ Tư pháp Mỹ gần đây thừa nhận Tổng thống Trump từng thông qua điện đàm nhờ một số nhà lãnh đạo khác giúp đỡ Bộ trưởng Tư pháp William Barr tìm hiểu nguồn gốc cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử do ông Robert Mueller đứng đầu.
Danh tính các nhà lãnh đạo nói trên không được công bố nhưng Thủ tướng Úc Scott Morrison xác nhận có điện đàm với ông Trump về vấn đề nói trên. Chính phủ Anh cũng cho biết ông Trump có điện đàm với Thủ tướng Boris Johnson một ngày sau cuộc điện đàm gây tranh cãi giữa ông chủ Nhà Trắng và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.
"Rất khó tránh các cuộc điện đàm với ông Trump. Tuy nhiên, lãnh đạo các nước giờ đây sẽ phải quan tâm nhiều hơn về những gì họ trao đổi với ông Trump" - chuyên gia Jonathan Eyal thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) nhận định.
Cựu thủ tướng một nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cho biết nếu điện đàm với Tổng thống Trump, ông giờ đây sẽ phải cực kỳ thận trọng để tránh nguy cơ lạc đề, cho dù làm vậy có thể không lấy được lòng ông chủ Nhà Trắng.
"Dĩ nhiên bạn muốn có mối quan hệ tốt với Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, xét đến môi trường hiện tại, bạn nên bám sát kịch bản chuẩn bị từ trước..." - cựu thủ tướng giấu tên nói trên nhận định
Bình luận (0)