Cuộc gặp cấp cao thường niên năm nay của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), dự kiến diễn ra ở Uzbekistan vào tuần tới, là nguyên cớ chính để cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng công du nước ngoài.
Kể từ khi bùng phát dịch bệnh đến nay, ông Tập Cận Bình mới chỉ rời đại lục có một lần khi tới Hồng Kông (hôm 30-6-2022). Kể từ khi bùng phát xung đột Nga - Ukraine, ông Putin mới chỉ một lần tới khu vực Trung Á và một lần tới Iran. Cuộc gặp giữa ông Putin và ông Tập Cận Bình ở Uzbekistan còn đáng được lưu tâm đến hơn cả cuộc gặp cấp cao SCO.
Trước khi ra lệnh tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2, ông Putin tới Trung Quốc và gặp ông Tập Cận Bình. Họ cùng tuyên bố rằng không có giới hạn cho sự phát triển của mối quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Nga. Ở Uzbekistan, hai nhà lãnh đạo này gặp lại nhau lần đầu tiên kể từ sau cuộc gặp nói trên.
Sự kiện song phương này có tầm quan trọng đặc biệt đối với Trung Quốc và Nga bởi những diễn biến trong thời gian vừa qua liên quan đến Nga và Trung Quốc về đối nội, đối ngoại và chính trị an ninh thế giới đã làm cho hai nước này cần nhau hơn bao giờ hết.
Cả hai hiện ở trong cùng tình cảnh và vì thế có cùng mục đích với việc thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác song phương và tăng cường tranh thủ các nước thành viên của SCO nói riêng và ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thủ đô Bắc Kinh hôm 4-2-2022 Ảnh: REUTERS
Nga bị Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), NATO và đồng minh gây khó khăn và phức tạp, thách thức và tổn hại chưa từng thấy trên nhiều phương diện, lại chi tiêu nhiều cho cuộc chiến ở Ukraine. Mối quan hệ hợp tác tốt đẹp và tin cậy giữa Nga và Trung Quốc khiến phe kia hết sức e ngại bởi sự hậu thuẫn kịp thời và hiệu quả của Trung Quốc cho Nga sẽ làm cho phe kia không thể thành công với những biện pháp chính sách nhằm cô lập, tẩy chay và trừng phạt Nga.
Trung Quốc trong thời gian vừa qua cũng bị Mỹ và đồng minh trong khối Phương Tây o ép trong nhiều chuyện, như trong vấn đề dân chủ, nhân quyền, trong vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) và Hồng Kông, trong cạnh tranh chiến lược ở châu Phi và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong ganh đua với kế hoạch lớn Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.
Ngoài ra, những diễn biến mới trong thời gian hơn một năm qua ở Afghanistan và liên quan đến Afghanistan (Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và Taliban trở lại cầm quyền) vừa đẩy SCO, Trung Quốc và Nga tới trước nhiều thách thức mới về chính trị an ninh và địa chiến lược lại vừa đem lại cho SCO, Trung Quốc, Nga không ít cơ hội xưa nay hiếm thấy để gây dựng vai trò và ảnh hưởng địa chiến lược cũng như chính trị an ninh.
Cả ông Putin và ông Tập Cận Bình đều cần chuyến công du nước ngoài lần này để thể hiện ra bên ngoài rằng vị thế và nền tảng quyền lực của họ ở trong nước hiện rất vững vàng. Họ đều cần tranh thủ và tập hợp các nước xung quanh và ở bên ngoài châu Âu để vô hiệu hóa những biện pháp chính sách thù địch của Mỹ và đồng minh.
Họ đều có nhu cầu cấp thiết về tăng cường thống nhất quan điểm và phối hợp hành động trong các vấn đề liên quan trực tiếp đến lợi ích chiến lược cốt lõi của họ, để cùng gây dựng những con chủ bài chiến lược và sách lược mới, để cùng phát triển và mở rộng ảnh hưởng chính trị thế giới trong biến động thời cuộc hiện tại.
Họ gây dựng thế ỷ dốc như thể tay phải giúp tay trái cùng đối phó Mỹ và đồng minh. Sự đồng hành giữa Nga và Trung Quốc trong thế giới hiện đại thêm công khai và thực chất, ít nhất thì cũng trong thời gian tới.
Bình luận (0)