Cảnh sát quốc gia Tây Ban Nha trang bị tấm chắn chống bạo động đụng độ với hàng trăm cử tri tại một điểm bỏ phiếu ở Barcelona, thủ phủ của Catalonia trong khi những người này liên tục hô vang: "Chúng tôi là những con người của hòa bình". Nhiều xe thiết giáp và một chiếc xe cấp cứu cũng có mặt gần khu vực này.
Cuộc trưng cầu dân ý bị chính phủ Tây Ban Nha xem là bất hợp pháp đã khiến quốc gia này rơi vào tình trạng khủng hoảng hiến pháp tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua và làm dấy lên lo ngại về bạo lực đường phố khi Madrid và Barcelona cùng đấu trí.
Chính quyền xứ Catalonia hẹn lịch bắt đầu bỏ phiếu vào lúc 9 giờ (giờ địa phương) tại 2.300 điểm nhưng Madrid tuyên bố đã hủy bỏ một nửa trong số này vào ngày 30-9.
Quá trình bỏ phiếu bắt đầu tại một số địa điểm trong khu vực vào ngày 1-10 sau khi nhiều người chiếm đóng khu vực để ngăn cảnh sát. Các nhà tổ chức đã bí mật đưa thùng phiếu đến trước khi trời sáng và hối thúc các cử tri chống cự lực lượng cảnh sát.
Một người đàn ông ôm thùng phiếu tại một điểm bỏ phiếu ở Barcelona. Ảnh: REUTERS
Cảnh sát chống bạo động tranh cãi với một người phụ nữ. Ảnh: REUTERS
Các nhà lãnh đạo xứ Catalan thề tiếp tục cuộc bỏ phiếu cho dù bị chính phủ Tây Ban Nha ngăn chặn công cuộc chuẩn bị bằng cách tịch thu thùng phiếu và giấy bỏ phiếu. Đối phó với tình trạng này, chính quyền Catalonia thông báo cử tri có thể in giấy bỏ phiếu tại nhà và bỏ ở bất kỳ điểm bỏ phiếu nào không bị cảnh sát chiếm giữ. Nội dung giấy bỏ phiếu chỉ có 1 câu hỏi: "Bạn có muốn Catalonia trở thành một quốc gia độc lập dưới hình thức nước cộng hòa?" và 2 ô trả lời Có/Không.
"Tôi đã thức dậy sớm vì đất nước cần tôi. Chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra nhưng chúng tôi phải có mặt tại đây" - bà Eulalia Espinal, một phụ nữ về hưu 65 tuổi, nói. Bà đã bắt đầu xếp hàng cùng 100 người khác bên ngoài một điểm bỏ phiếu từ lúc 5 giờ bất chấp trời mưa.
Catalan là một khu vực giàu có với dân số 7,5 triệu người ở vùng Đông Bắc Tây Ban Nha. Tại đây có nền văn hóa, ngôn ngữ riêng biệt và có tính tự trị cao nhưng không được công nhận là một quốc gia độc lập theo hiến pháp của Tây Ban Nha. Trong 5 năm qua, khu vực này đã liên tục gây áp lực để tổ chức một cuộc bỏ phiếu đòi độc lập. Tuy nhiên, chính phủ Tây Ban Nha cho rằng Catalonia đã có quyền tự trị rộng rãi cùng với các khu vực khác như xứ Basque và Galicia.
Bình luận (0)