Đây là bước đi mới nhất trong nỗ lực hiện thực hóa ước mơ có một nhà nước riêng của người Kurd ở Iraq. Theo AP, phần lớn người Kurd dự kiến bỏ phiếu "ủng hộ", qua đó làm phức tạp thêm tình hình khu vực vẫn còn căng thẳng vì cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Một kết quả như thế không đồng nghĩa khu vực người Kurd sẽ được độc lập ngay bởi cuộc trưng cầu không được Baghdad công nhận về mặt pháp lý, thể hiện qua cuộc bỏ phiếu của quốc hội Iraq hôm 12-9. Nhiều nghị sĩ Iraq lo ngại sự kiện này sẽ củng cố quyền kiểm soát của người Kurd đối với một số khu vực mà chính phủ trung ương tại Baghdad cũng đang tuyên bố chủ quyền. Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã cảnh báo về nguy cơ nổ ra bạo lực tại những nơi này nếu cuộc trưng cầu "vi hiến" diễn ra.
Không chỉ Iraq mà các nước láng giềng Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cũng "đứng ngồi không yên". Những quốc gia này lo ngại cuộc trưng cầu ý dân có thể thúc đẩy tâm lý đòi ly khai của cộng đồng người Kurd ở nước mình. "Cuộc trưng cầu ý dân ở miền Bắc Iraq phải bị hủy, nếu không thì sẽ có trả giá và trừng phạt" - Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag nhấn mạnh ngày 14-9.
Một cuộc tuần hành tại TP Sulaimaniyah hôm 9-9 nhằm kêu gọi người Kurd bỏ phiếu “chống” trong cuộc trưng cầu ý dân sắp tới Ảnh: REUTERS
Ngay cả Mỹ, đồng minh hàng đầu của người Kurd, cũng tìm cách thuyết phục họ hoãn cuộc bỏ phiếu do lo ngại hành động này sẽ mở ra một chương bất ổn mới vào thời điểm lực lượng do Mỹ hậu thuẫn tìm cách giành lại những vùng đất cuối cùng còn nằm trong tay IS ở Iraq. Bất chấp sức ép trên, vẫn chưa có dấu hiệu chính quyền tự trị người Kurd ở Iraq lùi bước.
Ông Massoud Barzani, Tổng thống của chính phủ khu vực Kurdistan (KRG), ngày 14-9 tuyên bố vẫn tổ chức trưng cầu như kế hoạch. Các quan chức người Kurd khẳng định sẽ tận dụng ý nguyện của người dân để ép chính phủ Iraq ngồi vào bàn đàm phán. Theo AP, vùng tự trị của người Kurd hiện chiếm 10% lãnh thổ Iraq, với khoảng 3 triệu người sinh sống (tương đương 8% dân số Iraq).
Nỗi lo mất lãnh thổ cũng hiện hữu ở Tây Ban Nha khi một cuộc trưng cầu ý dân về độc lập cho vùng tự trị Catalan dự kiến diễn ra ngày 1-10 tới. Chính phủ Tây Ban Nha gọi kế hoạch bỏ phiếu là vi hiến trong lúc Tòa án Hiến pháp ra lệnh cấm tổ chức sự kiện gây tranh cãi này.
Trong động thái gây sức ép hơn nữa, cơ quan công tố Tây Ban Nha hôm 13-9 ra lệnh điều tra hình sự hơn 700 thị trưởng ở vùng Catalan vì hợp tác tổ chức cuộc trưng cầu. Cảnh sát Catalan cũng được lệnh bắt giữ những thị trưởng nào không chịu ra tòa để thẩm vấn. Động thái này diễn ra một ngày trước chiến dịch vận động của phe ủng hộ Catalan độc lập tại TP Tarragona.
Bình luận (0)