Trong đợt cải tổ lần này, Thủ tướng Abe giữ lại các vị trí chủ chốt, bao gồm "bộ ngũ": Bộ trưởng Tài chính Taro Aso, Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga, Bộ trưởng Ngoại giao Taro Kono, Bộ trưởng Bộ Tái thiết Kinh tế Toshimitsu Motegi cũng như Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Hiroshige Seko.
Tạp chí Nikkei nhận định những trụ cột này sẽ hỗ trợ ông Abe giữ chính sách ngoại giao và thương mại đi đúng hướng, vượt qua những khó khăn như vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên, xung đột thương mại với Mỹ và tranh chấp lãnh thổ với Nga.
Thủ tướng Shinzo Abe ngồi cùng ban lãnh đạo LDP trước cuộc cải tổ nội các hôm 2-10 Ảnh: KYODO
Bên cạnh đó, nội các mới của Thủ tướng Abe có 12/19 nhân vật lần đầu làm bộ trưởng - bao gồm cựu quan chức tài chính Satsuki Katayama, người sẽ giữ chức Bộ trưởng Tái thiết khu vực và Bình đẳng giới. Đây cũng là nữ bộ trưởng duy nhất trong nội các mới. Ngoài ra, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Takeshi Iwaya thay thế ông Itsunori Onodera giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng.
Ông Jeffrey Kingston, Giám đốc nghiên cứu về châu Á tại Trường ĐH Temple (Nhật Bản), nhận xét: "Ông Abe chọn bạn cũ và đồng minh tin cậy trấn giữ các vị trí then chốt để bảo đảm sự ổn định". Đánh giá này cũng đúng với cách cải tổ ban lãnh đạo LDP, khi Thủ tướng Abe thay thế 2 trong số 4 lãnh đạo cấp cao của LDP bằng cố vấn lâu năm của mình.
Cụ thể, Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Katsunobu Kato được làm tân Chủ tịch Đại hội đồng LDP (cơ quan ra quyết định của đảng) và cựu Bộ trưởng Kinh tế Akira Amari làm người đứng đầu Ủy ban Chiến lược bầu cử LDP.
Đằng sau sự cải tổ LDP là mục tiêu lâu dài của ông Abe: thúc đẩy sửa đổi hiến pháp thời hậu chiến để mở rộng vai trò của quân đội Nhật Bản, hiện mang tên Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF). Tân Chủ tịch Đại hội đồng LDP, ông Kato, sẽ dẫn dắt các cuộc thảo luận nhằm thúc đẩy các chính sách quan trọng của Thủ tướng Abe. Trong khi đó, ông Amari chịu trách nhiệm bảo đảm vị thế của LDP trong các cuộc bầu cử địa phương cũng như thượng viện vào năm 2019.
Bình luận (0)