Ống hút nhựa chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong thế giới sản phẩm nhựa và những chiến dịch nhằm loại bỏ chúng không những không có tác dụng gì đáng kể mà còn đe dọa làm sao nhãng những nỗ lực hữu ích hơn nhiều.
Phong trào nói trên bùng phát từ năm 2015 sau khi xuất hiện đoạn video ghi cảnh một ống hút nhựa găm chặt vào mũi một chú rùa biển. Dù vậy, chiến dịch có ý định tốt này cho rằng chỉ những sản phẩm như ống hút nhựa mới liên quan nhiều đến tình trạng ô nhiễm đại dương. Đáng nói hơn là dữ liệu một số cuộc nghiên cứu đáng ngờ đã được sử dụng để nêu bật vấn đề.
Ống hút nhựa không nên là mục tiêu chính trong cuộc chiến chống chất thải nhựa trên biển hiện nay Ảnh: THE HERALD
Thực tế là ngay cả khi toàn bộ ống hút nhựa hiện có trên thế giới đột ngột bị ném xuống biển, chúng chỉ chiếm khoảng 0,03% trong số 8 triệu tấn chất thải nhựa ước tính xuất hiện trên các đại dương mỗi năm.
Một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học liên hệ với tổ chức Ocean Cleanup, chuyên phát triển công nghệ giảm rác thải nhựa ở đại dương, ghi nhận nhiều chất thải nhựa xuất phát từ hoạt động đánh bắt cá, như lưới đánh bắt cá. Những chiếc lưới này sau khi bị thất lạc hoặc bỏ lại trên biển vẫn tiếp tục phá hoại môi trường sống ở những nơi chúng trôi dạt qua.
Kể từ đầu những năm 1990, đã xuất hiện lời kêu gọi về một giải pháp khả dĩ: Một hệ thống dùng để đánh dấu dụng cụ đánh bắt cá thương mại để dễ lần ra danh tính cá nhân hoặc công ty nào cố tình bỏ chúng ngoài biển. Đi cùng với hệ thống này là những cơ sở trên bờ dùng để xử lý hoặc tái chế số dụng cụ bị bỏ này cộng với hình phạt nghiêm ngặt dành cho những ai gây hại môi trường biển.
Dù vậy, tại các nước đang phát triển, không dễ để thực hiện những biện pháp trên. Một nghiên cứu ở Indonesia cho thấy trừ khi được trả tiền, ngư dân thấy không có lý do gì để mang lưới đánh cá của người khác đến cơ sở xử lý trên bờ.
Bình luận (0)