Điều đó có nghĩa là các lò giết mổ của 22 chủ cửa hàng thịt chó tại chợ Moran sẽ bị dừng hoạt động, hoàn thành di dời vào đầu tháng 5 năm sau, theo báo Korea Herald. Ngoài ra, chính quyền thành phố hỗ trợ tài chính cho những người này để tân trang cửa hàng và kinh doanh mặt hàng mới.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 13-12, Thị trưởng Seongnam, ông Lee Jae-myung, cho biết: “Đây có thể là khởi đầu của hành trình dài phía trước để giải quyết các vấn đề xoay quanh việc tiêu thụ thịt chó. Hy vọng thỏa thuận này sẽ xóa bỏ hình ảnh tiêu cực của chợ Moran vì sự vĩ đại của một đất nước có thể được đánh giá qua cách những con vật bị đối xử”.
Cô Jang In-young, thành viên của Hiệp hội Bảo vệ động vật Hàn Quốc, khẳng định sẽ phải thường xuyên theo dõi các gian hàng thịt chó trong chợ để xem họ có thực sự dừng giết mổ chó và chuyển đổi kinh doanh hay không. Chợ Moran mở cửa từ những năm 1960 và bán hầu hết mọi thứ, từ thịt sống đến đồ cổ. Tổ chức Bảo vệ động vật (IDA), tổ chức vận động chống ăn thịt chó nhiều năm nay, cho hay chợ Moran bán ít nhất 80.000 con chó mỗi năm - tức cung cấp 1/3 số thịt chó tiêu thụ trong cả nước Hàn Quốc. Những con chó còn sống bị nhốt trong lồng cho khách chọn, sau đó bị làm thịt ngay tại chợ.
Theo mô tả, khung cảnh tại chợ Moran rất khủng khiếp, những chiếc lồng nhét đầy chó hoặc được nuôi hoặc bị đánh cắp. Chúng bị giết hết sức tàn nhẫn như cho điện giật, treo cổ, luộc sống, đánh đập... Tiếng ồn, mùi hôi cũng như xác động vật tại đây là mục tiêu than phiền chính từ các khu vực dân cư lân cận.
Chủ tịch IDA, TS Marilyn Kroplick, đánh giá “khai tử” các cửa hàng thịt chó ở chợ Moran là đòn đánh mạnh vào ngành mua bán thịt chó ở Hàn Quốc, nơi có đến 2,5 triệu con chó đang bị nuôi nhốt ở khoảng 17.000 trại để chờ làm thịt. Đây là nước duy nhất trên thế giới tồn tại quy mô lớn các trại nuôi chó lấy thịt cung cấp cho khoảng 10.000 nhà hàng thịt chó - có và không có giấy phép, theo báo Mirror của Anh.
Mở rộng ra, ước tính có 30 triệu con chó bị giết ăn thịt mỗi năm khắp châu Á, trong đó có Trung Quốc, Philippines, Thái Lan, Lào, Việt Nam và Campuchia. Còn trang Sohu cho biết thêm 1/3 trong số chó đó bị giết ăn thịt ở Trung Quốc.
Hồi tháng 6, các nhà hoạt động vì động vật ở Trung Quốc đưa ra bản kiến nghị với 11 triệu chữ ký, kêu gọi ngưng tổ chức lễ hội ăn thịt chó hằng năm ở TP Ngọc Lâm thuộc khu tự trị Quảng Tây. Từ năm 2014, chính quyền Ngọc Lâm nói đây là lễ hội được doanh nghiệp tư nhân tổ chức và không có sự bảo trợ của chính quyền. Một trong những nhà bảo vệ động vật góp phần chống lại lễ hội thịt chó ở Ngọc Lâm là cô Trương Viên Viên, sinh sống tại TP Thâm Quyến. Là thành viên của tổ chức từ thiện ACTAsia (Anh), cô Trương bắt đầu hành trình giải cứu động vật từ năm 2007.
Bình luận (0)