Đến hẹn lại lên, tại Trung Quốc, lễ hội thịt chó, mèo thường niên tổ chức tại TP Ngọc Lâm đang được chuẩn bị rầm rộ bất chấp nhiều lời kêu gọi dẹp bỏ.
Mỗi năm, ở Trung Quốc có khoảng 10-20 triệu con chó bị giết lấy thịt. Trong mắt nhiều người, sự kiện ăn thịt chó, mèo vào ngày 20-6 hàng năm đã trở thành biểu tượng của sự tàn ác và ngành công nghiệp thực phẩm mất vệ sinh, không được kiểm soát.
Chủ các nhà hàng tại Trung Quốc cho biết ăn thịt chó là truyền thống vào mỗi mùa hè. Trong khi đó, những người phản đối cho rằng lễ hội bắt đầu từ năm 2010 này không có giá trị truyền thống và chỉ được bày ra với mục đích tăng doanh thu.
Kể từ năm 2014, chính quyền TP Ngọc Lâm tìm cách “né” khỏi sự kiện trên bằng cách cấm nhân viên nhà nước tham dự. Ngoài ra, họ còn hạn chế quy mô lễ hội bằng cách dẹp bỏ các khu chợ và lò mổ chó.
Tuy nhiên, khoảng hơn 10.000 con chó, nhiều con trong số đó là bị bắt trộm, vẫn bị giết để phục vụ lễ hội tổ chức ở khu nông thôn tự trị nghèo khó thuộc tỉnh Quảng Tây này.
Khoảng 6-7 chú chó bị nhồi nhét chung trong một cái lồng nhỏ chật chội, vượt một quãng đường dài đến lò mổ mà không có thức ăn hay nước uống. Tồi tệ hơn là chúng thường bị giết trước mặt đồng loại với mục đích tăng sự đau đớn và nỗi sợ hãi, điều mà nhiều chủ nhà hàng khẳng định sẽ giúp món thịt trở nên ngon hơn.
Các nhà bảo vệ động vật trên thế giới cho rằng hoạt động này sẽ làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc. Hơn hết, họ lên án hành động đối xử tàn nhẫn với chó cũng như đề cập đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ánh mắt sợ hãi, ám ảnh của một chú mèo trên đường đến lò mổ. Ảnh: Humane Society International
Khoảng 6, 7 con chó bị nhồi nhét trong một chiếc lồng chật chội trên đường đến lò mổ. Ảnh: Humane Society International
Hôm 4-4, liên minh các nhà hoạt động vì động vật Trung Quốc khẳng định họ sẽ tiếp tục gây sức ép để giải tán lễ hội trên cũng như nghiêm cấm giết chó, mèo và tiêu thụ thịt của chúng.
Bà Yu Hongmei, giám đốc Hiệp hội bảo vệ động vật Vshine, cho rằng Trung Quốc cần cấm ăn thịt chó, mèo như đa số các quốc gia khác. “Trung Quốc cần phải phát triển theo thời gian. Ngăn chặn các hành vi ngược đãi động vật là dấu hiệu của một xã hội trưởng thành, văn minh” – bà Yu khẳng định.
Ông Peter J. Li, chuyên gia thuộc Tổ chức Quốc tế Xã hội Nhân đạo của Trung Quốc, chia sẻ: “Về mặt tinh thần và tâm lý mà nói, những chú chó này đã phải chết nhiều lần”.
Tổ chức này cho biết thịt chó rất nguy hiểm với sức khỏe con người khi chúng có thể phát tán những dịch bệnh như bệnh giun xoắn, dại hay bệnh tả. Bằng chứng là tỉnh Quảng Tây là một trong 5 khu vực chịu ảnh hưởng của bệnh dại nhiều nhất Trung Quốc, còn TP Ngọc Lâm nằm trong tốp 10 thành phố có nhiều trường hợp phát bệnh nhất.
Tồi tệ hơn, chúng bị buộc phải chứng kiến cảnh đồng loại bị giết chết. Ảnh: Humane Society International
Các nhà hoạt động cho rằng những cuộc biểu tình phản đối ăn thịt chó trên khắp cả nước cũng như sự lên án mạnh mẽ của những người yêu chó đang dần phát huy tác dụng.
Những nhà hàng thịt chó phải thu hẹp quy mô. Tuy vậy, các nhà hoạt động phàn nàn rằng Trung Quốc vẫn thiếu sót các bộ luật cấm ngược đãi động vật, truy tố trộm chó và vận chuyển chó, mèo trái phép.
Ông Yu Dezhi, tổng thư ký tổ chức Bảo vệ Động vật (Animal Protection Power), tự tin khẳng định việc thay đổi thói quen ăn uống sẽ là nền tảng vững chắc để loại bỏ lễ hội thịt chó ở TP Ngọc Lâm nói riêng cũng như việc ăn thịt chó nói chung. “Đơn giản là vì thị trường thịt chó sẽ không có chỗ đứng đối với thế hệ trẻ” – ông Yu cho hay.
Bình luận (0)