Được xem là một nguyên tắc trong luật pháp quốc tế, quyền tự quyết của dân tộc được xác nhận là nền tảng cho các cuộc đàm phán về nhiều vấn đề khác nhau như nghị quyết chấm dứt xung đột ở vùng Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan của Liên Hiệp Quốc năm 1948, biên giới các nước ở Đông Âu năm 1990…
Tuy nhiên, từ Kirkuk - Iraq đến Catalonia - Tây Ban Nha, vấn đề dân tộc lại nổi lên, khiến các nền dân chủ hiện đại không khỏi bối rối. Những người nắm quyền đang phải tìm đọc lại những quyển sách giáo khoa về luật pháp quốc tế.
Vấn đề quyền tự quyết đã nóng trở lại và không ít quốc gia đang phải vật lộn để đương đầu với nó. Liên minh châu Âu (EU) đang bị mắc kẹt trong tình trạng lấp lửng về pháp lý. Hiệp ước sáng lập EU không đưa vào quyền tự quyết của các dân tộc. Thay vào đó, nó trao quyền này cho các quốc gia đã được công nhận là nhà nước, đề cập trong điều 50.
"Nguyên tắc" mà ông Pedro Sánchez - thủ lĩnh Đảng Xã hội đối lập ở Tây Ban Nha - viện dẫn để chống lại yêu cầu đòi độc lập của vùng Catalonia chính là Hiến pháp đất nước. Nhưng nếu Hiến pháp được xem là ưu tiên hàng đầu thì điều 1 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc (LHQ) sẽ trở nên dư thừa.
Đối với Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani - một công dân Ý lên tiếng chỉ trích những ai bỏ phiếu ủng hộ sự tự trị của 2 vùng Lombardy và Veneto tại nước mình - nguyên tắc của ông ta đơn giản chỉ là nỗi lo sợ về sự gia tăng của số lượng quốc gia nhỏ. Đây cũng không phải là lập luận được luật pháp quốc tế công nhận.
Một cuộc biểu tình của những người ủng hộ Catalonia độc lập tại TP Barcelona hôm 21-10 Ảnh: REUTERS
Câu hỏi đặt ra là tại sao các khu vực, quốc gia và dân tộc lại khơi lại vấn đề quyền tự quyết vào thời điểm này? Đối với Tây Ban Nha và Ý, câu trả lời là rõ ràng: các biện pháp thắt lưng buộc bụng, nạn tham nhũng và tình trạng xơ cứng chính trị của chính quyền trung ương khiến các nền dân chủ khu vực bất mãn.
Nó thúc đẩy các khu vực tự trị như Catalonia đòi độc lập và những địa phương như Lombardy, Veneto tìm kiếm quyền tự quyết về tài chính.
Một số quốc gia khác đang chứng kiến một chu kỳ hành động - phản ứng: Anh rời khỏi EU (tiến trình gọi tắt là Brexit); Scotland tìm kiếm một kiểu ra đi khác (khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland); phe cộng hòa ở Ireland có ý tìm kiếm một cuộc trưng cầu ý dân về sự thống nhất giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland từng được cam kết hồi những năm 1990.
Tiến trình tương tự cũng diễn ra ở lãnh thổ New Caledonia thuộc Pháp, nơi người Kanak bản xứ được hứa hẹn một cuộc trưng cầu ý dân về chủ quyền trọn vẹn vào năm 2018.
Khi những lời kêu gọi sự tự trị và độc lập xuất hiện ngày càng nhiều, các chính đảng cánh tả chủ đạo không hiểu được rằng trong một số trường hợp, vấn đề dân tộc không gây xao lãng cuộc đấu tranh vì công bằng xã hội mà là vấn đề đi đầu trong cuộc đấu tranh này.
Bên cạnh những vấn đề về kinh tế và sự phân cực chủng tộc, một yếu tố tích cực thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc tiến bộ - từ Scotland đến Catalonia - chính là sự thay đổi về công nghệ.
Một tác động khác là sự xuất hiện của những thành phố lớn thành công và các thị trấn nhỏ bị tàn phá. Với những mạng lưới thông tin và văn hóa dày đặc, những thành phố lớn có thể sống sót trong thời kỳ toàn cầu hóa.
Trong khi đó, các thị trấn nhỏ gặp nhiều khó khăn hơn. Vì vậy, chiến lược kinh tế hợp lý là thành lập một "vùng" hoặc quốc gia nhỏ, với sự tập trung được dành cho một thành phố lớn, đồng thời phát triển nền kinh tế ở ngoại ô và nông thôn đồng bộ với thành phố đó.
Nếu TP Barcelona không phải là một câu chuyện thành công mang tính toàn cầu, động lực đằng sau chủ nghĩa dân tộc ở Catalonia sẽ không lớn như bây giờ.
Hiểu được những đòi hỏi ly khai và tự trị, không đồng nghĩa chấp nhận chúng. Các cuộc trưng cầu ý dân hợp pháp là phương cách được luật pháp quốc tế công nhận để sát hạch những đòi hỏi đó.
Vào tháng 12 năm ngoái, Tòa án Công lý châu Âu đã phán quyết rằng điều 1 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc - vốn đảm bảo quyền tự quyết đối với các quốc gia chưa độc lập - là một quyền có thể thực thi hợp pháp trong EU.
Nó vẫn chưa được thử thách trong bối cảnh của Catalonia, Flanders (khu vực nói tiếng Hà Lan tại Bỉ) hoặc Scotland. Tuy nhiên, không sớm thì muộn bài kiểm tra này vẫn sẽ diễn ra.
Bình luận (0)