Đầu năm 2015, báo chí Nga đã tường thuật về một số trường hợp công dân Nga bị cáo buộc tội phản bội đất nước và tiết lộ thông tin mật. Theo báo Vzglyad, đây chỉ là một phần nhỏ của trò chơi điệp viên được đánh giá đã lỗi thời lại nổi lên ở Nga. Trong đó có Roman Ushakov, cựu điều tra viên cao cấp Bộ Nội vụ Nga khu vực Krasnoyarsk, bị kết án 15 năm tù vì làm việc cho Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA).
Chỉ vì tự ái
Nguyên cớ đưa đẩy Ushakov đến chỗ lầm đường lạc lối thật đáng kinh ngạc. Bất bình vì Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) không nhận mình vào làm việc dù có những thành tích nổi bật trong ngành cảnh sát, Ushakov tìm vào website của CIA và đề nghị hợp tác. Tình báo Mỹ chộp ngay cơ hội này và giao việc cho “nhân viên tình nguyện”.
Với sự quen biết và các mối quan hệ thân hữu, trong vòng 5 năm cung cấp thông tin cho CIA, Ushakov đã có thể chuyển cho tổ chức này những dữ liệu quý giá - bản lý lịch và đặc điểm cá nhân của các nhân viên FSB khu vực Krasnoyarsk. Ushakov còn đáp ứng sự quan tâm của CIA về các nhân viên bộ máy khu vực trung tâm và cả các sĩ quan làm việc trong những khu vực hạn chế đi lại, cư trú cũng như các nhà máy nhạy cảm của Nga.
Điều dễ hiểu là trong đường dây này, Ushakov chỉ là nhân vật thứ yếu. Người Mỹ cần dữ liệu về nhân viên FSB để đánh giá khả năng thu phục họ với mục đích thu thập thông tin mật từ các xí nghiệp quân sự Nga. Nhiệm vụ này quan trọng đến mức Ushakov đã nhận được những khoản tiền thù lao khá cao. Song, Ushakov đã phải khốn khổ vì bị sa thải khỏi ngành cảnh sát và không được phép làm việc cho bất kỳ cơ quan nào.
Sau khi nhận được cảnh báo từ chi nhánh FSB ở Krasnoyarsk, Ushakov quyết định… chơi đến cùng. Bay đến Moscow, Ushakov tới văn phòng FSB và kể hết câu chuyện của mình rồi đề nghị tiếp tục trò chơi nghiệp vụ với CIA ngay tại thủ đô Nga. Thoạt đầu, FSB đồng ý nhưng chẳng bao lâu sau, an ninh Nga mới hay rằng không thể bắt quả tang nhân viên tình báo Mỹ làm việc dưới vỏ bọc viên chức sứ quán. Cuối cùng, FSB quyết định bắt giam Ushakov rồi đưa ra tòa bất chấp anh ta tỏ ra thành khẩn khai nhận và hợp tác với cơ quan điều tra.
Phản bội đất nước
Câu chuyện đáng ngạc nhiên nêu trên cho thấy ngày nay, cũng như nhiều năm trước, động cơ chính của nhiều gián điệp là lòng tự ái và tính tham lam. Danh mục thông tin mà CIA muốn nhận được bao gồm cả khả năng thâm nhập các xí nghiệp quốc phòng Nga, trước hết là những công ty thuộc ngành công nghiệp nguyên tử, trung tâm dữ liệu và mạng máy tính.
Vụ công dân Ukraine Yury Soloshenko, cựu giám đốc nhà máy quốc phòng Znamya, bị cáo buộc tội gián điệp và bị bắt giam, cũng có thể được xếp vào loại hoạt động tình báo kiểu cũ, thu thập danh mục thông tin kiểu cũ. Nghĩa là không có hành động tin tặc, cũng chẳng có siêu nhân và những chiếc máy tính bộ nhớ “khủng”. Trái lại, đối phương sử dụng những người bình thường, sống động. Hoạt động gián điệp cổ điển, lỗi thời lợi dụng dục vọng của con người và sử dụng tiền mặt để đạt được mục đích.
Danh lợi cũng là cái bẫy hạ gục nhiều nhà khoa học hám danh. Ít ai trong số họ đủ can đảm từ chối báo cáo tại các hội thảo chuyên đề ở nước ngoài hoặc viết bài cho tạp chí khoa học của phương Tây. Đôi khi họ làm điều đó một cách miễn phí nhưng thường là được nhận thù lao. Qua đó, hành vi tiết lộ bí mật quốc gia đã xảy ra một cách hết sức tự nhiên.
Đơn cử, Vladimir Golubyev - cựu nhân viên Trung tâm Hạt nhân Liên bang Nga ở Sarova thuộc vùng Nizhegorod - bị bắt ngày 4-2 không phải vì hoạt động gián điệp mà là do tiết lộ bí mật quốc gia. Năm 2003, ông này từng đọc báo cáo khoa học tại hội nghị ở Cộng hòa Czech, sau đó công bố công trình nghiên cứu của mình. Việc công bố bản báo cáo này đã trở thành nguyên cớ để cơ quan điều tra khởi tố hình sự Golubyev. Ông ta có thể bị kết án 4 năm tù giam.
Ngoài ra, việc bắt giữ các quân nhân Hạm đội biển Đen do chuyển cho nước ngoài tài liệu mật về tư thế sẵn sàng chiến đấu của hạm đội cũng là điều dễ hiểu. Trong đó có Sergei Minakov, thành viên thủy thủ đoàn tàu chở dầu Koida thuộc Hạm đội biển Đen. Số phận tương tự cũng dành cho một cựu nhân viên sân bay Sochi đã truy cập thông tin tối mật về tình hình không phận ở miền Nam nước Nga. Đó không chỉ là tin tức về lực lượng nhảy dù mà còn là chi tiết các chuyến bay chở những nhà lãnh đạo Nga, gồm cả tổng thống.
Theo báo Vzglyad, một trong những vụ buộc tội phản bội đất nước ồn ào nhất ở Nga năm nay là trường hợp bà nội trợ Svetlana Davydova, người đã thông báo với sứ quán Ukraine dữ liệu về hoạt động chuyển quân của đơn vị № 48886. Cuối tháng 3, tòa án TP Moscow ra phán quyết công nhận việc gia hạn giam giữ Selyanin V.P - SN 1958, phạm tội phản bội đất nước - là hợp pháp. Người này có thể lãnh án 12-20 năm tù. Ngày 9-2, một tòa án ở Moscow cũng đã quyết định kéo dài thời hạn giam cầm đối với Evgeny Petrin, kẻ đã chuyển thông tin mật cho cơ quan tình báo Mỹ…
Donetsk cũng có gián điệp
Tháng 5 vừa qua, theo hãng tin RIA Novosti, chính quyền CHND Donetsk (DPR) ở miền Đông Ukraine đã trục xuất 8 công dân Mỹ và châu Âu vì tình nghi hoạt động gián điệp ở đây. Những người này hoạt động bất hợp pháp - không đăng ký và không được phép - trên lãnh thổ DPR dưới chiêu bài Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ suốt vài tháng.
Theo Bộ An ninh DPR, các đối tượng trên đã tích cực thiết lập mối quan hệ với các quan chức DPR, thể hiện rõ sự quan tâm đến những dữ liệu về tình hình nơi này cũng như các vấn đề xã hội. Họ còn thu thập dữ liệu cá nhân của người dân và tiến hành thăm dò về tâm trạng, thái độ của mọi người đối với chính quyền dưới dạng giúp đỡ cư dân về mặt nhân đạo và tâm lý.
Kỳ tới: Tràn ngập điệp viên kiểu mới
Bình luận (0)