Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Văn phòng Tổng Công tố Mỹ cuối tháng 1-2015 đã công bố việc bắt một công dân Nga là phó đại diện Ngân hàng Phát triển Nga (Vneshekonombank) ở New York với cáo buộc làm gián điệp.
Đến nay, vụ việc vẫn chưa ngã ngũ dù Bộ Ngoại giao Nga đã kêu gọi phía Mỹ trả tự do cho người này, đồng thời nhấn mạnh công tố viên Mỹ không có chứng cứ củng cố cáo buộc của họ. Hai công dân Nga khác cũng bị cáo buộc tương tự nhưng đã rời khỏi Mỹ từ lâu.
Thu thập thông tin trừng phạt Nga
Người bị bắt là Evgeny Buryakov - bí danh Zhenya, 39 tuổi, làm việc cho Cơ quan Tình báo ngoài nước (SVR) dưới một “vỏ bọc không chính thức” về ngoại giao. Anh ta là nhân viên ngân hàng Nga làm việc tại văn phòng ở Manhattan, New York. Với 2 cáo buộc - không thông báo cho Viện Tổng Công tố Mỹ thân phận của mình và hợp tác với nhân viên tình báo nước ngoài - Buryakov có thể bị kết án 20 năm tù.
Báo chí Nga quả quyết rằng bắt đầu từ lúc ấy, hệ thống tình báo và phản gián Mỹ đang ở trong tình trạng chiến tranh công khai với Nga. Báo Vzglyad (Nga) nhận định tình báo Mỹ đã tuyên chiến với Nga qua động thái gây ra xì-căng-đan gián điệp như vừa nêu.
Bức phác thảo chân dung Evgeny Buryakov tại tòa án ở Manhattan, New York - Mỹ
Ảnh: REUTERS
FBI giải thích rằng các điệp viên có “vỏ bọc không chính thức” không nhận được sự ủng hộ chính thức của chính phủ và tất nhiên, không bao giờ được công nhận là nhân viên tình báo nhưng luôn được đánh giá có giá trị cao đối với SVR. Vneshekonombank đã quyết định chi trả phí tổn bào chữa cho luật sư bảo vệ Buryakov, trong khi đương sự phủ nhận lời buộc tội làm điệp viên không đăng ký của Nga.
Đài CNN nhận xét 3 điệp viên Nga kể trên nằm trong nỗ lực thâm nhập đất Mỹ dữ dội nhất kể từ thời chiến tranh lạnh. FBI cho biết những người này thu thập thông tin về lệnh trừng phạt chống lại Nga và làm công việc đó một cách rất đặc biệt.
Hai người bị buộc tội vắng mặt - Igor Sporyshev, 40 tuổi và Viktor Podobnyi, 27 tuổi - là nhân viên SVR nhưng có “vỏ bọc ngoại giao chính thức”, theo FBI. Cụ thể, từ ngày 23-11-2010 đến 21-11-2014, Sporyshev làm đại diện thương mại Nga ở New York. Điều đó có nghĩa là anh ta đã hoàn tất 4 năm công tác bình thường mà không hề bị phát hiện.
Trong khi đó, Podobnyi là tùy viên tại cơ quan đại diện thường trực Nga ở Liên Hiệp Quốc. Viện Tổng Công tố Mỹ chắc hẳn không vui vì trước đây, chẳng ai hoặc cơ quan tình báo nào báo cho biết họ là nhân viên tình báo Nga.
Hơn nữa, thông tin về sự tồn tại của 3 điệp viên nêu trên xuất hiện vào thời điểm nhiều nguy cơ nhất trong mối quan hệ Mỹ - Nga nhiều thập kỷ qua, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đang đối đầu căng thẳng liên quan đến nhiều vấn đề - từ cuộc khủng hoảng Ukraine đến tuyên bố của Moscow rằng Nga có quyền ảnh hưởng đối với sân sau của mình.
Bộ ba gián điệp
Sporyshev và Podobnyi đã thực hiện các nhiệm vụ: sử dụng cư dân New York với mục đích thu thập dữ liệu tình báo; giao nhiệm vụ cho Buryakov và chuyển các thông tin tình báo thu thập được về tổng hành dinh SVR ở Moscow. Sporyshev là “người quản lý” của Buryakov, giao cho anh ta các nhiệm vụ về kỹ thuật, sau đó cùng với Podobnyi phân tích và chuyển kết quả hoạt động của điệp viên Zhenya về Moscow.
Theo FBI và Văn phòng Tổng Công tố Mỹ, cả ba thu thập thông tin về các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga và về các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực năng lượng thay thế. Vỏ bọc ngoại giao của Sporyshev và Podobnyi liên quan đến hoạt động thương mại, cho phép họ thường xuyên gặp gỡ Buryakov mà không khiến ai mảy may nghi ngờ. Thay vì trò chuyện ở quán cafeteria trong khuôn viên Liên Hiệp Quốc, họ gặp nhau tại công viên trung tâm thành phố, sử dụng mật khẩu cũng như các lối giao tiếp chuyên biệt. Thế nhưng, không may là họ bị lộ tung tích.
FBI quả quyết trong chuyện này, Sporyshev và Podobnyi chỉ là các nhân vật phụ vì chỉ cần Buryakov đã có thể chuyển thông tin mà anh ta thu thập được về Moscow. Từ tháng 3-2012 đến giữa tháng 9-2014, FBI đã tiến hành theo dõi Sporyshev theo lối cổ điển, không bỏ sót hành động nào. FBI ghi nhận Sporyshev đã gặp gỡ Buryakov 48 lần, mỗi lần đều chuyển một vật gì đó.
Đa phần những lần gặp gỡ này đều diễn ra ngoài trời với mục đích giảm bớt khả năng bị theo dõi, theo nhận định của FBI. Thế nhưng, thực tế đã chứng minh điều ngược lại, lọt vào giữa hàng chục người chạy bộ, các cặp tình nhân, những người trượt ván, vô gia cư, sinh viên và bán hàng rong ở công viên trung tâm, họ càng dễ bị theo dõi hơn. Hai người luôn đến gặp nhau sau khi đã nói chuyện qua điện thoại và trao đổi những vật vừa nêu.
Sporyshev và Podobnyi (cũng bị theo dõi) đã công khai bàn bạc về chuyện chọn lựa cư dân nào ở New York làm thông tín viên cho mình. Họ đã nêu những danh tính cụ thể của nhân viên các hãng lớn ở Mỹ cũng như một số phụ nữ trẻ có mối quan hệ với Trường ĐH New York. Нai người cũng đã bàn việc đặt mật danh cho các nguồn cung cấp thông tin tình báo tiềm năng đó và triển vọng tuyển chọn được người có nguồn gốc Nga có liên hệ với trường ĐH.
Mức độ thời chiến tranh lạnh
GS Mark Galeotti - chuyên gia về Nga, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và các vấn đề an ninh tại Trường ĐH New York - nhận định Moscow đang tăng cường các hoạt động gián điệp ở Mỹ và các đồng minh châu Âu với mức độ thời chiến tranh lạnh.
Theo nhà nghiên cứu Edward Lucas, tác giả cuốn “Chuyện chưa kể về gián điệp Đông - Tây ngày nay”, hoạt động gián điệp Nga tại phương Tây hiện ở quy mô lớn hơn trước đây.
Ông John Schindler - từng là nhà phân tích thông tin tình báo và sĩ quan phản gián Mỹ ở Đông Âu, Trung Đông - cho rằng cuộc chiến tình báo Nga - Mỹ hiện ở giai đoạn mạnh mẽ chưa từng có. “Đây là phần nổi của tảng băng” - ông Schindler nhận xét.
Theo ông, kể từ khi Liên Xô sụp đổ, các cơ quan tình báo Nga đã tái xây dựng những mạng lưới ở nước ngoài, một phần của “cuộc chiến tranh kinh tế” với phương Tây.
Kỳ tới: Tái diễn trò chơi điệp viên ở Nga
Bình luận (0)