Với việc công bố kế hoạch chống biến đổi khí hậu “mạnh mẽ nhất trong lịch sử đất nước” vào tuần rồi, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khơi mào một cuộc chiến mới khiến người ta nhớ đến chương trình chăm sóc sức khỏe Obamacare.
Obamacare thứ hai?
“Không có thách thức nào đe dọa nghiêm trọng đến tương lai và những thế hệ tương lai của chúng ta như khí hậu. Chúng ta là thế hệ đầu tiên cảm nhận được tác động của biến đổi khí hậu và là thế hệ cuối cùng có thể làm điều gì đó” - ông Obama cảnh báo.
“Kế hoạch năng lượng sạch” (CPP) là phiên bản chính thức của những quy định về hạn chế khí thải được Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) ban hành. Đặt mục tiêu giảm 32% lượng khí thải carbon từ các nhà máy điện vào năm 2030 so với mức năm 2005, kế hoạch này đòi hỏi các bang và nhà máy điện sử dụng ít than hơn, đồng thời đầu tư nhiều hơn vào năng lượng tái tạo, trong đó có gió và mặt trời.
Mỗi bang sẽ được giao chỉ tiêu cắt giảm khí thải nhất định và phải trình EPA kế hoạch đạt chỉ tiêu này, chậm nhất là vào năm 2018. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, việc thực hiện sẽ bắt đầu vào năm 2022.
Một nhà máy điện chạy bằng than ở bang Utah trước và sau khi đóng cửa vào đầu năm 2015
Ảnh: REUTERS
Không có gì khó hiểu khi một số bang cùng các nhóm kinh doanh, nhà sản xuất than, nhà máy nhiệt điện, chính khách… dọa tìm đến tòa án để phong tỏa CPP. “Chúng tôi sẽ theo đuổi mọi giải pháp, kể cả kiện tụng, để ngăn chặn EPA thâu tóm quyền lực” - ông Tom Donohue, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ, bắn phát súng “cảnh báo” đầu tiên.
Thượng nghị sĩ Mitch McConnell gần đây gửi thư kêu gọi toàn bộ thống đốc 50 bang không thực thi kế hoạch trên với lý do giá điện sẽ tăng, khiến người nghèo thêm nặng gánh. Trước đó, vào năm 2014, các công ty than lớn nhất nước Mỹ và 14 bang sản xuất than đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang để ngăn chặn EPA do lo ngại “nồi cơm” bị đập bể và người dân địa phương mất việc làm.
Chủ đề tranh cử nóng
Lường trước thách thức, EPA đã công bố một loạt biện pháp hỗ trợ. Bà Gina McCarthy, Giám đốc EPA, cho rằng kế hoạch sẽ có chi phí khoảng 8,4 tỉ USD nhưng dự kiến mang lại lợi ích từ 34-54 tỉ USD.
Không những thế, theo Nhà Trắng, CPP có thể kéo giảm 90% trường hợp tử vong sớm do ô nhiễm từ các nhà máy điện vào năm 2030 so với năm 2005. Đáng nói là đã có ít nhất 365 doanh nghiệp, nhà đầu tư lên tiếng ủng hộ kế hoạch của ông Obama vì cho rằng có lợi cho nền kinh tế và tạo nhiều việc làm mới.
Hoạt động sản xuất điện, nhất là từ đốt than đá, là nguồn thải khí nhà kính lớn nhất Mỹ (chiếm 1/3) nhưng vẫn chưa có quy định hạn chế. Vì thế, quy định mới của EPA đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu của Tổng thống Obama. Theo đó, đặt mục tiêu chung là giảm 26%-28% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ vào năm 2025, đồng thời thúc đẩy các nước khác ký một hiệp ước toàn cầu về vấn đề này.
Tuy nhiên, quá trình thực thi quy định mới có thể bị đình trệ bởi kiện tụng và khi ấy, tranh cãi sẽ tập trung vào lập luận của EPA, cho rằng giảm sử dụng than đá/khí thiên nhiên và tăng cường năng lượng tái tạo là cách tốt nhất để giảm khí thải.
Hãng tin Bloomberg nhận định số phận của kế hoạch trên có thể phải dựa vào người kế nhiệm ông Obama, tương tự Obamacare. Bà Hillary Clinton, ứng viên tổng thống sáng giá của Đảng Dân chủ, ủng hộ bước đi của EPA trong khi phe Cộng hòa ra sức “dìm hàng”.
“Đây sẽ là một trong những vấn đề nóng trong cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2016. Phe Dân chủ có lập trường về chính sách trách nhiệm hơn rất nhiều và điều này sẽ giúp họ chiến thắng” - ông Heather Zichal, một trong những kiến trúc sư chính của CPP, nói với đài BBC.
Ưu ái năng lượng tái tạo
Phiên bản CPP mới nhất chú trọng đến phát triển năng lượng tái tạo cũng như tìm cách giữ nguyên tỉ lệ khí thiên nhiên được sử dụng tại các nhà máy điện ở Mỹ. Đây là thay đổi lớn so với những phiên bản trước đó, vốn ủng hộ chuyển đổi từ than sang khí thiên nhiên để giảm khí CO2.
Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ, than đá cung cấp 37% sản lượng điện của nước này trong năm 2012, theo sau là khí thiên nhiên (30%), năng lượng hạt nhân (19%), thủy điện (7%), năng lượng tái tạo như gió, mặt trời… (5%). Bloomberg nhận định bước đi trên càng khiến những nhà sản xuất than có chi phí hoạt động cao và mắc nợ đến gần nguy cơ “tuyệt chủng”.
Bình luận (0)