Dù còn không ít bất đồng, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tìm được tiếng nói chung trong một số vấn đề, từ biến đổi khí hậu đến tăng cường hợp tác quân sự tại cuộc gặp ở Bắc Kinh hôm 12-11.
Trong những thỏa thuận đạt được có kế hoạch cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Gọi đây là “cột mốc lớn” trong quan hệ Trung - Mỹ, ông Obama cho biết Washington đặt mục tiêu đến năm 2025 giảm 26%-28% khí thải so với mức của năm 2005. Mức giảm này lớn hơn mục tiêu mà ông đề ra trong nhiệm kỳ đầu - giảm 17% vào năm 2020.
Trung Quốc không đưa ra cam kết cụ thể nhưng đặt mục tiêu không còn tăng khí thải vào năm 2030 hoặc sớm hơn và bắt đầu giảm dần. Ngoài ra, Bắc Kinh cam kết tăng tỉ lệ năng lượng phi hóa thạch - lên 20% vào năm 2030 - trong lúc giảm năng lượng hóa thạch.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
tại cuộc họp báo chung hôm 12-11. Ảnh: REUTERS
Ngoài bắt tay chống biến đổi khí hậu, hai bên còn nhất trí nới lỏng thị thực, cắt giảm thuế quan đối với nhiều sản phẩm công nghệ cao song song những biện pháp cảnh báo để giảm nguy cơ xung đột quân sự vô tình.
Diễn biến này là điểm sáng hiếm hoi trong quan hệ Mỹ - Trung đang căng thẳng bởi tham vọng chủ quyền của Bắc Kinh ở biển Đông và Hoa Đông, cáo buộc do thám mạng, tranh cãi về nhân quyền, chính sách tiền tệ…
Tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp, ông Obama cho biết đã nêu những lo ngại của Mỹ đối với tình hình nhân quyền của Trung Quốc và mối đe dọa an ninh mạng. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết Washington không can thiệp vào việc tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông nhưng xem tự do hàng hải là lợi ích, đồng thời hy vọng nhìn thấy giải pháp hòa bình cho vấn đề.
Dù thừa nhận 2 nước vẫn còn “những khác biệt quan trọng” nhưng ông Obama đánh giá cao việc nhà lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng đối thoại trong bầu không khí xây dựng. “Mỹ hoan nghênh một Trung Quốc hòa bình, thịnh vượng và ổn định” - ông Obama nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Tập Cận Bình kêu gọi 2 nước mở rộng những lĩnh vực có thể hợp tác sau khi ông cùng tổng thống Mỹ cam kết thúc đẩy quan hệ nước lớn “kiểu mới” giữa hai bên. Cũng theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, quan hệ quân sự song phương sẽ được củng cố thông qua những biện pháp “xây dựng lòng tin” như thông báo cho nhau về kế hoạch tập trận và thực thi những quy tắc ứng xử trong trường hợp xảy ra đối đầu giữa không quân và hải quân 2 nước.
“Kình” nhau vì Hồng Kông
Tại cuộc họp báo chung, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định: “Washington không liên quan đến biểu tình ở Hồng Kông. Đó là vấn đề do Trung Quốc quyết định. Tôi nói rõ Mỹ khuyến khích mọi người có quyền được bày tỏ và việc bầu cử ở Hồng Kông thể hiện ý chí của người dân nơi đó”. Đáp lại, theo đài RTHK, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi những gì phong trào “Chiếm lĩnh Trung tâm” đang làm là trái phép. “Vấn đề Hồng Kông là việc nội bộ của Trung Quốc, các nước khác không nên can thiệp” - ông Tập nhấn mạnh.
Trước nay, Bắc Kinh cho rằng có lực lượng nước ngoài can thiệp vào Hồng Kông. Giới truyền thông đặc khu đưa tin 7.000 cảnh sát sẽ được điều động để đẩy người biểu tình ra khỏi khu Vượng Giác (Mongkok) và Admiralty (Kim Chung) vào ngày 13-11 theo phán quyết của Tòa án Hồng Kông. Về phía sinh viên, họ lên kế hoạch chiếm các tuyến đường quanh Lãnh sự quán Anh nhằm phản ứng thái độ lãnh đạm của London.
Trước đó, báo Anh The Telegraph dẫn cảnh báo của cựu Tổng Thư ký Anson Chan - nhân vật quyền lực thứ hai tại Hồng Kông khi còn là nhượng địa của Anh - rằng Bắc Kinh có nguy cơ mất cả một thế hệ trẻ nếu không giải quyết các yêu cầu của sinh viên biểu tình.Huệ Bình
Bình luận (0)