Cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Triều Tiên đang leo thang mạnh: Tổng thống Donald Trump khuyến cáo rằng bất kỳ mối đe dọa đều sẽ hứng chịu "hỏa lực và sự cuồng nộ", còn Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ tấn công tên lửa vào đảo Guam của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
Tranh cãi trên bờ vực
Lời đe dọa trên - được hãng tin KCNA công bố - đã làm gia tăng căng thẳng và là lời cảnh báo Washington đừng can dự vào cuộc đấu khẩu đầy tính hiếu chiến với Triều Tiên.
Đài CNN đưa tin Tổng thống Donald Trump đối mặt sự chỉ trích từ các nhà lập pháp thuộc cả hai đảng sau khi cảnh báo Bình Nhưỡng như trên.
Thượng nghị sĩ John McCain cho rằng tổng thống Mỹ không thể theo đuổi đến cùng lời đe dọa mà mình đã đưa ra, còn các nghị sĩ Dân chủ mô tả phản ứng của ông chủ Nhà Trắng là "khoa trương" và "mất phương hướng".
Đáng chú ý, ông Donald Trump đưa ra tối hậu thư "hỏa lực và cuồng nộ" sau khi báo The Washington Post đưa tin Triều Tiên có khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để tích hợp lên tên lửa đạn đạo.
Nhà phân tích chính trị Mỹ Henry Farrell nhận định các nhà lãnh đạo Washington lâu nay luôn thận trọng lời nói, đặc biệt khi đối phó các thế lực hạt nhân. Theo ông, Mỹ chỉ đưa ra những lời đe dọa có thể thực hiện được.
Nếu phản ứng như Tổng thống Donald Trump đã hứa, nước Mỹ sẽ đánh dấu bước leo thang rất nguy hiểm. Ngược lại, uy tín của ông chủ Nhà Trắng - và có lẽ của cả nước Mỹ - sẽ bị tổn hại.
Các chuyên gia còn nhận xét Tổng thống Donald Trump đã tự vạch ra "lằn ranh đỏ" trong khi ít có khả năng ông sẽ thực hiện lời hứa.
"Nếu "lằn ranh đỏ" ông ấy vạch ra là ‘Triều Tiên không được đe dọa Mỹ nữa" thì nó đã bị vượt qua chỉ trong vòng 1 giờ sau khi ông tuyên bố" - kênh CNBC trích dẫn nhận định của chuyên gia John Delury, Trường ĐH Yonsei ở Hàn Quốc.
Hai máy bay ném bom B-1B Lancer của Mỹ và 2 chiến đấu cơ F-2 của Nhật bay gần đảo Kyushu hôm 8-8Ảnh: Reuters
Sức ép lên Trung Quốc
Các nhà quan sát tin rằng khả năng xảy ra xung đột giữa 2 quốc gia được trang bị vũ khí hạt nhân này vẫn còn xa vời. Bởi lẽ, nhà lãnh đạo Triều Tiên sử dụng chương trình hạt nhân là công cụ mặc cả hơn là vũ khí tấn công, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và tân Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly nhiều khả năng không tính đến hành động quân sự nào trong tương lai gần.
Theo chuyên gia Robert Kelly, Trường ĐH Quốc gia Pusan (Hàn Quốc), thay vì diễn giải phát biểu của ông Donald Trump thành "lằn ranh đỏ", có thể xem đó là cách gây áp lực buộc Trung Quốc mạnh tay hơn với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Như một cách phối hợp, Reuters ngày 9-8 dẫn lời giới chức Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump tạm thời "tha" trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc có làm ăn với Triều Tiên.
Nhà Trắng cũng hoãn lại các hành động đáp trả thương mại sau khi Bắc Kinh hậu thuẫn lệnh trừng phạt Triều Tiên mới nhất được thông qua hôm 5-8.
Tuy nhiên, không rõ ông chủ Nhà Trắng sẽ "án binh" bao lâu trong khi giới chức Mỹ tuyên bố theo dõi sát sao việc Trung Quốc thực thi lệnh trừng phạt Triều Tiên. Bộ Tài chính Mỹ đã chuẩn bị sẵn một danh sách các ngân hàng và doanh nghiệp Trung Quốc liên quan tới các chương trình quân sự Triều Tiên.
"Trước mắt, người Mỹ sẽ chờ xem các lệnh trừng phạt mới nhất có làm thay đổi hành vi của Triều Tiên hay không" - ông Peter Jennings, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Úc và hiện là giám đốc điều hành Viện Chính sách Chiến lược Úc, nhận định.
Thế nhưng, theo ông, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có vẻ sẽ không hề lay chuyển, dẫn đến nguy cơ Mỹ tấn công phủ đầu trong vòng 6 tháng. "Phương án nguy hiểm không có nghĩa là sẽ không xảy ra" - ông Jennings nhìn nhận.
Vì sao Guam là mục tiêu?
Việc Triều Tiên đưa đảo Guam, lãnh thổ thuộc Mỹ, vào tầm ngắm không gây nhiều ngạc nhiên cho khoảng 160.000 cư dân tại đó.
"Bất cứ khi nào xuất hiện lời đe dọa từ Bình Nhưỡng, đảo Guam luôn bị nhắc đến" - ông Robert F. Underwood, Chủ tịch Trường ĐH Guam (Mỹ), nói với tờ The Washington Post.
Xét vị trí chiến lược và sự hiện diện của những căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Guam, Bình Nhưỡng có lý do để đưa vùng lãnh thổ này vào tầm ngắm.
Nằm cách Triều Tiên khoảng 3.540 km về phía Đông Nam, Guam là nơi đặt các cơ sở của không quân, hải quân, lực lượng đặc nhiệm và cảng dành cho tàu ngầm hạt nhân Mỹ.
Ngoài ra, Guam còn là nơi xuất phát của các máy bay ném bom chiến lược B-1, B-2, B-52 thực hiện các chuyến bay thường lệ trên lãnh thổ Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên.
Giới lãnh đạo quân sự Mỹ gọi Guam là "tàu sân bay vĩnh cửu". Hòn đảo còn có hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), cũng như là nơi đồn trú của khoảng 6.000 binh sĩ.
Con số này đang ngày một tăng trong bối cảnh Mỹ tìm cách tái cân bằng lực lượng ở Thái Bình Dương trước sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc và mối đe dọa từ chương trình hạt nhân Triều Tiên.
Hiện chưa rõ Lầu Năm Góc có nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của hạm đội và phi đội đóng tại Guam hay chưa. Tuy nhiên, ông Johnny Michael, người phát ngôn của Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, cho biết: "Chúng tôi luôn duy trì trạng thái sẵn sàng ở mức cao và có khả năng đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào, kể cả từ Triều Tiên".
Không đánh giá cao khả năng tấn công tên lửa của Triều Tiên, Thống đốc đảo Guam Eddie Calvo ngày 9-8 cho rằng hòn đảo này đã được chuẩn bị để ứng phó với "bất kỳ tình huống nào" bằng các biện pháp phòng thủ chiến lược.
Bất chấp những lời trấn an, theo AP, cư dân đảo Guam vẫn lo sợ bị mắc kẹt trong tình trạng căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Triều Tiên. Họ cũng quan tâm đến việc liệu Washington có thể tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hay không.
Dù vậy, một số cư dân cho biết họ chưa thấy hiện tượng tích trữ nhu yếu phẩm trên đảo.
Xuân Mai
Bình luận (0)