Có một cuộc chiến thực sự - nhưng không được nói đến nhiều - đang diễn ra khắp châu Phi, liên quan đến Mỹ, Nga và Trung Quốc. Kết cục của cuộc chiến đó nhiều khả năng sẽ định hình tương lai châu lục này cũng như viễn cảnh toàn cầu.
Sự mở rộng quân sự của Mỹ hiện nay ở châu Phi chỉ là một bước đi sai hướng khác. Đó là một phần của chiến lược đã được thực hiện một thập kỷ trước, dưới thời chính quyền Tổng thống George W. Bush và được người kế nhiệm Barack Obama tích cực theo đuổi.
Năm 2007, lấy lý do "chống khủng bố", Mỹ hợp nhất các hoạt động quân sự ở châu Phi để thành lập Bộ Chỉ huy châu Phi của Mỹ (AFRICOM). Bắt đầu với ngân sách nửa tỉ USD, AFRICOM được cho là ra đời để tương tác với các quốc gia châu Phi về ngoại giao và viện trợ. Thế nhưng, trong suốt 10 năm qua, AFRICOM đã được chuyển thành một bộ chỉ huy trung tâm chuyên tiến hành hoạt động xâm nhập, can thiệp quân sự.
Tuy nhiên, vai trò bạo lực đó đã nhanh chóng trở nên tệ hại hơn trong năm đầu tiên nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Có một cuộc chiến ngầm của Mỹ ở châu Phi, nhân danh "chống khủng bố". Theo một cuộc điều tra, binh sĩ Mỹ đang thực hiện 3.500 cuộc diễn tập và hoạt động quân sự khắp châu Phi mỗi năm, trung bình 10 cuộc/ngày. Con số này đánh dấu mức tăng 19 lần kể từ khi AFRICOM đi vào hoạt động cách đây một thập kỷ.
Sau vụ 4 binh sĩ đặc nhiệm Mỹ thiệt mạng ở Niger hôm 4-10-2017, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói rõ rằng số thương vong có thể tăng khi Mỹ mở rộng hoạt động quân sự ở châu Phi. Cũng như các quan chức quốc phòng của 2 chính quyền trước, ông Mattis biện hộ sự mở rộng trên là một phần nỗ lực "chống khủng bố".
Cuộc đua tranh giành châu Phi theo kiểu thực dân cũ đang được tái dựng bởi những cường quốc toàn cầu hiểu rõ về tiềm năng kinh tế chưa khai thác hết tại châu lục này. Trong khi Trung Quốc, Ấn Độ và Nga đều có hướng tiếp cận riêng để ve vãn châu Phi, Mỹ hầu như chỉ đầu tư vào lựa chọn quân sự, đe dọa gây ra không ít thiệt hại và sự bất ổn cho nhiều quốc gia. Vụ đảo chính ở Mali năm 2012, được thực hiện bởi một sĩ quan quân đội được Mỹ huấn luyện - Amadou Haya Sanogo - là một ví dụ.
Trong một phát biểu năm 2013, Ngoại trưởng Mỹ khi đó, bà Hillary Clinton, lên tiếng chống lại "chủ nghĩa thực dân mới ở châu Phi - dễ dàng đi vào, lấy các nguồn tài nguyên thiên nhiên, chi tiền cho các nhà lãnh đạo và rời đi". Dĩ nhiên, bà Clinton nói đúng nhưng bà chủ yếu ám chỉ Trung Quốc chứ không phải Mỹ.
Mỹ hiện có khoảng 800 binh sĩ ở Niger Ảnh: INDIANSF
Ảnh hưởng đang tăng của Trung Quốc ở châu Phi là rõ ràng và những hành vi của Bắc Kinh tại đó có thể không công bằng. Tuy nhiên, chính sách của Trung Quốc đối với châu lục này tập trung nhiều vào khía cạnh dân sự và thương mại hơn là quân sự. Kim ngạch thương mại Trung Quốc - châu Phi tăng vọt từ 10,5 tỉ USD năm 2000 lên 166 tỉ USD năm 2011. Không lạ khi Trung Quốc qua mặt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi năm 2009.
Trong khi đó, chủ nghĩa thực dân thực sự mà bà Clinton đề cập đang hiện diện trong nhận thức, hành vi của Mỹ đối với châu Phi lúc này. Với suy nghĩ rằng 22 quốc gia ở châu lục này có đa số dân theo Hồi giáo, chính phủ Mỹ không theo đuổi bất kỳ tầm nhìn ngoại giao dài hạn ở châu Phi mà càng đi sâu hơn vào con đường quân sự. Đây dường như không phải là một phần của bất kỳ chiến lược toàn diện nào. Thay vào đó, nó phản ánh sự phụ thuộc quá mức của Mỹ vào giải pháp quân sự cho đủ loại vấn đề, từ thương mại cho đến chính trị.
Trong quan hệ với châu Phi, Nga đang đi theo chiến lược gắn kết (trong trường hợp này là tái gắn kết) của Trung Quốc thông qua phát triển và các điều khoản thương mại ưu đãi. Thế nhưng, không như Trung Quốc, Nga có một chương trình nghị sự rộng hơn, trong đó có xuất khẩu vũ khí. Đối với Moscow, châu Phi cũng có tiềm lực to lớn chưa được khai thác trong vai trò là một đối tác chính trị có thể củng cố vị thế của Nga tại Liên Hiệp Quốc.
Nhận thức rõ sự cạnh tranh nói trên, một số nhà lãnh đạo châu Phi đang dốc sức tìm kiếm những đồng minh mới bên ngoài khuôn khổ phương Tây vốn đã kiểm soát phần lớn châu Phi kể từ khi chủ nghĩa thực dân truyền thống không còn tồn tại nhiều thập kỷ trước. Một ví dụ nổi bật là chuyến thăm Nga của Tổng thống Sudan Omar al-Bashir hồi tháng 11-2017. Nhân chuyến đi này, Moscow đã cam kết hiện đại hóa quân đội Sudan.
Lo ngại mối quan hệ của Nga với châu Phi, Mỹ tiếp tục chống lại bằng đối sách tập trung nhiều vào quân sự trong lúc ít có chỗ cho ngoại giao. Cuộc "chiến tranh mini" mà Mỹ đang phát động ở châu Phi sẽ đẩy lục địa này vào vực thẳm bạo lực và tham nhũng - điều có thể hợp ý Washington nhưng lại gây ra không ít tác động tiêu cực đến cuộc sống hàng triệu người.
Bình luận (0)