Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến đến châu Âu vào tuần tới để bàn hướng đi cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Tuy nhiên, cửa ngoại giao không mấy sáng sủa, nhất là khi Nga đang nắm quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
NATO đổ quân đến sườn Đông
Ngay trong ngày quân Nga tiến vào Ukraine (24-2), NATO lập tức củng cố lực lượng ở sườn Đông, hội quân với khoảng 6.500 lính Mỹ đã nhận lệnh đến Đông Âu và các nước Baltic. "Chúng tôi đã triển khai thêm lực lượng phòng thủ trên bộ, trên không và bổ sung khí tài hàng hải" - NATO thông báo.
Với tuyên bố "sẽ bảo vệ từng tấc lãnh thổ của NATO bằng sức mạnh tổng lực Mỹ", Tổng thống Joe Biden cũng luân chuyển các lực lượng bộ binh và không quân đang đóng ở châu Âu đến tăng cường cho Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan và Romania.
Theo báo The New York Times, khoảng 1.000 quân Mỹ ở châu Âu được tái bố trí, trong đó các nước Baltic đón 800 lính Mỹ từ Ý, 20 trực thăng Apache từ Đức; Ba Lan thêm 12 chiếc Apache từ Hy Lạp. Ngoài ra, 8 chiến đấu cơ F-35 đang từ Đức hướng đến Lithuania, Estonia và Romania.
Thậm chí, theo The New York Times, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) sẽ cung cấp tin tình báo và cả vũ khí cho lực lượng Ukraine.
Người dân ở Suceava - Romania cung cấp trà nước, thức ăn cho những người Ukraine vượt qua biên giới ngày 25-2 Ảnh: REUTERS
Cùng với nhiệm vụ quân sự, nhiều thành viên trong số 5.500 lính Mỹ đã đến Ba Lan trong tháng này sẽ phối hợp với nước chủ nhà xây dựng 3 trung tâm gần biên giới với mục đích tiếp nhận, chăm sóc và cung cấp đồ thiết yếu cho hàng chục ngàn người dự kiến bỏ chạy khỏi Ukraine.
Tạp chí Time dẫn lời người phát ngôn Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho biết chỉ vài giờ sau khi Nga tấn công Ukraine, nhiều người dân ở miền Đông nước này bắt đầu rời bỏ nhà cửa. Phần đông chạy sang các khu vực khác của đất nước trong khi một phần tìm đường vượt qua các biên giới quốc tế để vào Ba Lan cùng các quốc gia Trung Âu khác.
Chính phủ của 5 nước có đường biên giới chung với Ukraine - gồm Ba Lan, Slovakia, Hungary, Romania và Moldova - đều thông báo tiếp nhận người tị nạn Ukraine dù trước nay họ theo lập trường phản đối tái định cư cho người tị nạn.
Hiện chưa rõ sẽ có bao nhiêu người Ukraine rời bỏ đất nước. Tháng 12 năm ngoái, Bộ Quốc phòng Ukraine ước tính con số này có thể lên đến 3-5 triệu người, lớn hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng di cư làm châu Âu khốn đốn hồi năm 2015-2016.
Khi đó, xấp xỉ 1 triệu người tị nạn - chủ yếu từ Syria, Iraq và Afghanistan - đã tràn đến châu Âu. Trước mắt, Liên Hiệp Quốc vừa thông báo chi khẩn cấp 20 triệu USD hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine, còn Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẵn sàng đón nhận người tị nạn nước này.
Người dân Ukraine sơ tán đến cửa khẩu biên giới ở thị trấn Beregsurany - Hungary sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự lớn vào Ukraine hôm 25-2 Ảnh: Reuters
Kinh tế toàn cầu bất ổn
Các nhà lãnh đạo của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Y tế thế giới (IMF) ngày 24-2 đồng loạt cảnh báo cuộc xung đột hiện nay sẽ đe dọa triển vọng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu vốn chưa hết lao đao vì đại dịch Covid-19.
Ngay trong ngày 24-2, giá năng lượng tăng vọt đã làm rung chuyển kinh tế giới, trong đó giá dầu có lúc cán mốc 100 USD/thùng và giá khí đốt ở châu Âu tăng tới 62%.
Mỹ và EU liên tiếp tung ra các đòn trừng phạt với Nga dù biết rằng làm thế sẽ khiến kinh tế của nước mình bị ảnh hưởng. Với Tổng thống Joe Biden, đó là giá xăng tăng làm xói mòn sự ủng hộ dành cho chính ông.
Về phần ngân hàng trung ương các nước, phải đối mặt thử thách kép ngày càng cam go: Vừa kiềm chế giá cả vừa duy trì kinh tế tăng trưởng. Cuộc khủng hoảng Ukraine có thể khiến cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nghĩ lại về định hướng thắt chặt chính sách tiền tệ.
Tác động của cuộc xung đột phụ thuộc vào độ dài và quy mô của nó cũng như mức độ khắc nghiệt của các đòn trừng phạt nhằm vào Nga và khả năng đáp trả của Moscow.
Mảnh vỡ của một chiếc máy bay không xác định đâm vào một ngôi nhà trong khu dân cư ở thủ đô Kiev sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự lớn vào Ukraine hôm 25-2 Ảnh: Reuters
Hãng tin Bloomberg đã vẽ ra 3 kịch bản. Thứ nhất, cuộc chiến sớm chấm dứt giúp bình ổn các thị trường, đưa kinh tế Âu - Mỹ về lại quỹ đạo phục hồi.
Trong kịch bản thứ hai, xung đột kéo dài, phương Tây trừng phạt nặng tay hơn và xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt của Nga bị gián đoạn. Hệ quả là thị trường năng lượng chịu cú sốc lớn hơn và lan sang các thị trường toàn cầu. Kịch bản này nhiều khả năng khiến ECB không còn nghĩ đến chuyện tăng lãi suất.
Với kịch bản cuối cùng, cũng là tệ nhất, nguồn cung khí đốt cho châu Âu hoàn toàn bị cắt đứt, châm ngòi cho một cuộc suy thoái trong khi Mỹ thắt chặt đáng kể các điều kiện tài chính. Từ đó, tăng trưởng toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.
Việt Nam kêu gọi kiềm chế
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 25-2 cho biết Việt Nam hết sức quan ngại trước tình hình xung đột vũ trang ở Ukraine. "Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực, bảo vệ người dân, tiếp tục đối thoại tìm kiếm giải pháp hòa bình, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên toàn thế giới" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu.
Theo bà Lê Thị Thu Hằng, Việt Nam rất quan tâm đến cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine, yêu cầu bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân cũng doanh nghiệp Việt Nam tại địa bàn. Các cơ quan đại diện Việt Nam tại địa bàn cùng các cơ quan chức năng trong nước đang phối hợp chặt chẽ, sẵn sàng các phương án bảo hộ công dân.
Dương Ngọc
Bình luận (0)