Khởi đầu từ một cuộc nổi dậy hòa bình chống lại chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad, xung đột đã leo thang thành cuộc chiến tranh được đánh giá thuộc hàng chết chóc nhất của thế kỷ
Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, cuộc chiến này đã cướp đi sinh mạng hơn 400.000 người, khiến hơn một nửa dân số Syria mất nơi trú ngụ và khoảng 5,5 triệu người phải bỏ chạy ra nước ngoài tìm nơi tị nạn.
Sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị đánh bại, giao tranh giữa quân đội của Tổng thống Assad và phe đối lập tạm lắng trong lúc Nga tuyên bố hoàn thành sứ mệnh tại Damascus và rút một phần lực lượng về nước. Những diễn biến tích cực này tưởng sẽ hạ nhiệt "chảo lửa" Syria nhưng cuộc chiến vẫn chưa có dấu hiệu đi tới hồi kết. Trái lại, những điểm nóng xung đột mới bùng phát và những nguy cơ đối đầu quân sự mới giữa các cường quốc đứng sau khiến Syria trở nên rối ren chưa từng thấy.
Người phụ nữ và những đứa trẻ mất nơi trú ngụ ở thị trấn Inab, Đông Afrin - Syria Ảnh: REUTERS
Trong diễn biến mới nhất cho thấy tình trạng trên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 15-3 tuyên bố các binh sĩ nước này cùng lực lượng nổi dậy Syria liên minh sắp vây hãm hoàn toàn TP Afrin.
Suốt 2 tháng qua, lực lượng của Ankara đã tiến hành chiến dịch quân sự được cho là có thể vẽ lại bản đồ Bắc Syria vào thành phố vốn là ngôi nhà của 350.000 người và được nhóm vũ trang người Kurd - Các đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG) - bảo vệ. Theo The Telegraph (Anh), như vậy Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ đối đầu trực diện với chế độ của ông Assad - một tình thế mà 2 bên nỗ lực tránh né cho đến giờ.
Trong khi đó, phía Nga hôm 13-3 nói rằng họ đã nắm thông tin Mỹ lên kế hoạch dàn cảnh để đánh bom về phía chính phủ Syria ở Damascus. Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov cảnh báo họ sẵn sàng đáp trả trong trường hợp sinh mạng quân nhân Nga bị đe dọa. Bình luận trên được đưa ra sau khi Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley cảnh báo Mỹ sẵn sàng hành động ở Syria để chấm dứt các vụ tấn công hóa học và "sự đau khổ vô nhân đạo", làm gia tăng nỗi lo về khả năng đối đầu quân sự Nga - Mỹ.
Chuyên gia Mara Karlin thuộc Viện Nghiên cứu Brookings (Mỹ) nhận định cuộc tranh luận trong nội bộ Washington lúc này là nên tập trung chống khủng bố hoặc dành ưu tiên cho những vấn đề địa chính trị rộng hơn ở Syria. Theo tờ USA Today, không ít cuộc hòa đàm về Syria trong những năm qua đều vấp phải một trở ngại chung: số phận của ông Assad.
Dù vậy, bà Karlin cho rằng cuộc xung đột Syria sẽ không kết thúc với việc ông Assad tự nguyện ra đi hoặc chọn con đường lưu vong. "Nó sẽ không kết thúc ngay cả khi ông Assad tiến hành những cải tổ đủ cho sự ra đời của một nhà nước Syria tự do và minh bạch… Sự đàn áp và bạo lực vẫn sẽ tiếp diễn ở Syria" - bà Karlin đúc kết.
Bình luận (0)