Trong bối cảnh Trung Quốc và Nga tăng cường hiện diện quân sự ở Bắc cực, các cơ quan tình báo Mỹ đẩy mạnh nghiên cứu những mối đe dọa tiềm tàng ở khu vực này lần đầu tiên kể từ chiến tranh lạnh.
Khu vực chiến lược
Trong 14 tháng qua, hầu hết trong số 16 cơ quan tình báo Mỹ đều phân công nhân viên làm việc toàn thời gian để phân tích tình hình Bắc cực. Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia gần đây đã triệu tập các nhà phân tích đến từ những cơ quan trên để chia sẻ thông tin tình báo thu thập được.
Máy bay F-22 được Mỹ dùng để giám sát máy bay Nga ở Bắc cực Ảnh: LOS ANGELES TIMES
Theo báo Los Angeles Times, tình báo Mỹ chủ yếu “soi” sự tăng cường quân sự của Nga ở Bắc Cực. Hạm đội phương Bắc của Moscow đang đặt ở TP Murmansk nằm bên trong Vòng tròn Bắc Cực. Hồi tháng 3-2014, chính phủ Nga công bố kế hoạch mở lại 10 căn cứ quân sự có từ thời Liên Xô ở dọc bờ biển Bắc Cực, trong đó có 14 sân bay.
“Đây là sự tăng cường quân sự lớn nhất của Nga kể từ chiến tranh lạnh. Họ đang mở lại 10 căn cứ và xây thêm 4 căn cứ, tất cả đều ở Bắc cực. Những động thái này khiến chúng tôi không thoải mái chút nào” - Thống đốc Alaska Bill Walker nhận định với các phóng viên nhân chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama đến bang này gần đây.
Ngoài những vệ tinh do thám và bộ cảm biến nằm sâu dưới đáy vùng biển băng giá, các nhà phân tích tình báo Mỹ còn xử lý cả dữ liệu thô thu thập từ một trạm thính sát mới được nâng cấp của Canada nằm trên đảo Ellesmere gần cực Bắc. Tại trạm CFS Alert này, hiện có khoảng 100 nhân viên tình báo làm việc ngày đêm để theo dõi hoạt động giao tiếp giữa máy bay, tàu ngầm Nga. Thông tin thu thập đều được Canada chia sẻ với phía Mỹ.
Tranh nhau lợi ích
Hỗ trợ Mỹ còn có tàu do thám Marjata của Na Uy, được thiết kế để thu thập thông tin tình báo điện tử. Con tàu này đang được trang bị thêm hệ thống và thiết bị mới tại một căn cứ hải quân Mỹ ở bang Virginia và dự kiến khởi hành đến biển Barents tuần tra vào tháng 11 tới với nhiệm vụ chính là do thám các hoạt động quân sự của Nga.
Một nhiệm vụ quan trọng không kém của tình báo Mỹ là tìm hiểu triển vọng khai thác tài nguyên dầu khí, khoáng sản ở Bắc cực trong bối cảnh tình trạng ấm lên toàn cầu đã mở ra các tuyến đường hàng hải mới ở khu vực lạnh giá này.
Cơ quan Tình báo Không gian địa lý quốc gia Mỹ (NGA) đã bỏ ra 2 năm để lập bản đồ mới về các tuyến đường biển và vùng lãnh thổ tại Bắc cực, trong khi một số cơ quan khác lập hải đồ các biển Bering, Chukchi và Beaufort. NGA dự kiến công bố bản đồ 3 chiều của toàn bộ Bắc cực vào năm 2017 để giúp theo dõi hiện tượng băng tan và sự thu hẹp diện tích sông băng.
Một nghiên cứu của Cục Khảo sát địa chất Mỹ ước tính Bắc cực chứa khoảng 13% trữ lượng dầu và 30% lượng khí đốt chưa được khai thác của thế giới. Vì thế, không có gì khó hiểu khi các nước Mỹ, Nga, Canada, Na Uy, Đan Mạch đang tranh nhau quyết liệt “miếng bánh Bắc cực” bằng cách coi đây là một phần lãnh thổ của mình.
Các tập đoàn dầu khí cũng nhảy vào ngày càng nhiều, đẩy sự cạnh tranh lên mức gay gắt. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Jeff Davis hôm 7-9 xác nhận một tàu tình báo Nga hoạt động gần một tàu của Công ty Dầu khí American Shell (Mỹ) đang thăm dò tại Bắc cực. Tuy nhiên, người này nói thêm không có tàu nào của Mỹ được điều đến hiện trường để ứng phó.
Bắc Kinh “áp sát”
Trung Quốc cũng là mối bận tâm khác của tình báo Mỹ ở Bắc cực, nhất là sau khi Lầu Năm Góc vào tuần rồi xác nhận sự hiện diện lần đầu tiên của 5 tàu chiến Trung Quốc ở biển Bering, nằm giữa bang Alaska và nước Nga. Trang Đa Chiều của người Hoa ở hải ngoại nhận định Washington chắc chắn sẽ xem động thái này là nỗ lực chiến lược của Bắc Kinh nhằm áp sát nguồn tài nguyên giá trị ở Bắc cực, nhất là sau khi nước này giành được quy chế quan sát viên thường trực ở Hội đồng Bắc cực năm 2013.
Bình luận (0)