Quyết định của nhóm OPEC+ trong phiên họp trực tiếp đầu tiên kể từ tháng 3-2020 vào ngày 5-10-2022 vừa qua đã làm giá dầu tăng trở lại ngay. OPEC là tên gọi viết tắt Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa, thành lập năm 1960 và hiện có 13 thành viên. Năm 2016, OPEC cùng 11 nước xuất khẩu dầu mỏ khác thành lập khuôn khổ hợp tác mở rộng, được gọi là OPEC+.
Nhìn vào các thành viên này sẽ thấy 2 điều. Thứ nhất, OPEC+ bao gồm gần như tất cả những nước xuất khẩu nhiều dầu mỏ nhất trên thế giới. Điều này có nghĩa OPEC+ có đủ khả năng chi phối ở mức độ quyết định nhất việc cung ứng dầu cho thị trường. Thứ hai, các thành viên của OPEC+ hỗn tạp về chính trị, nhiều thành viên không có mối quan hệ hợp tác song phương tốt đẹp với nhau và có bản chất cũng như mức độ quan hệ rất khác nhau với các đối tác lớn bên ngoài.
Điều này có nghĩa mọi quyết định của OPEC+ không dễ dàng được thông qua trong nội bộ và đều luôn có cả tác động chính trị thế giới.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Abdulaziz bin Salman tại cuộc họp báo sau cuộc họp của OPEC+ ở thủ đô Vienna - Áo ngày 5-10 Ảnh: BLOOMBERG
Quyết định mới nhất của OPEC+ đúng là như thế. Nhóm này nhất trí giảm khối lượng dầu xuất khẩu hằng ngày 2 triệu thùng - con số cao nhất trong mức dao động từ nửa triệu đến 2 triệu thùng được dự đoán chung. OPEC+ theo đuổi 3 mục tiêu với quyết định này.
Thứ nhất, ngăn chặn sự giảm sút của giá dầu và giữ giá dầu ổn định ở mức cao (trên 90 USD/thùng). Mức độ giảm xuất khẩu này được OPEC+ lựa chọn vì cho rằng phải ít nhất như thế mới có thể ứng phó được tác động làm giá dầu giảm của tình trạng lạm phát cao ở Mỹ, trong Liên minh châu Âu (EU) và ở nhiều nền kinh tế lớn khác trên thế giới; của triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới không được sáng sủa, có nơi thậm chí còn gặp nguy cơ suy thoái và của việc ngân hàng trung ương nhiều quốc gia thắt chặt chính sách tiền tệ thông qua tăng lãi suất cơ bản.
Thứ hai, OPEC+ muốn tạo và giữ dư địa cho việc lại tăng mức độ xuất khẩu dầu hằng ngày khi cần thiết trong tương lai. Suy tính ở đây đơn giản là hiện có không ít thành viên, đặc biệt Nga và Nigeria, không xuất khẩu nhiều như đã được thỏa thuận phân bổ trước đấy. Tức là OPEC+ giờ có giảm 2 triệu thùng thì cũng không làm giảm trên thực tế mức cung ứng trên thị trường mà chỉ là giảm trên giấy trong khi vẫn làm giá dầu tăng trở lại.
Đồng thời, OPEC+ trù liệu Nga bị Mỹ, EU và đồng minh cấm vận xuất khẩu dầu bằng những biện pháp khác nhau nên các thành viên khác càng phải dự trữ năng lực tăng mức xuất khẩu dầu để bù lại phần của Nga khi cần thiết, tức là giảm bây giờ để sẵn sàng tăng sau này.
Thứ ba, bảo tồn và gia tăng vai trò, ảnh hưởng kinh tế cũng như chính trị cho nhóm OPEC+ ở thời điểm hiện nay trên thế giới. Quyết định mới của OPEC+ rất có lợi cho Nga cả hiện tại lẫn sau này vì Nga có lợi từ giá dầu cao cả khi bị hạn chế xuất khẩu, cho dù OPEC+ quyết định như thế không phải để giúp Nga hoặc để thể hiện quan điểm, thái độ về cuộc xung đột ở Ukraine.
Tác động chính trị nổi bật còn thể hiện ở chỗ OPEC+, với nhiều thành viên là đối tác quan trọng của Mỹ và EU, bất chấp mọi kêu gọi và thôi thúc của Mỹ và EU về tăng xuất khẩu dầu để hạ giá năng lượng, đồng thời vô hình trung còn làm lợi cho Nga nói chung và trong cuộc xung đột ở Ukraine nói riêng.
Chỉ cần nhìn vào phản ứng chính thức của Mỹ, EU và một số thành viên EU là có thể thấy rõ mức độ tác động chính trị từ động thái mới của OPEC+ và nhóm này chơi cuộc chơi chính trị thế giới như thế nào.
Bình luận (0)