Thông qua kế hoạch áp giá trần với dầu Nga, phương Tây kêu gọi các nước tham gia từ chối bảo hiểm, tài chính, môi giới, hàng hải và các dịch vụ khác đối với dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga được bán cao hơn giá trần.
Kế hoạch này đã được các quốc gia G7 (Nhóm 7 nền công nghiệp hàng đầu thế giới) đồng ý nhưng chưa xác định được mức giá. Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét áp mức giá tương tự mức giá đã được G7 đồng ý, các nhà ngoại giao châu Âu cho biết vào tháng rồi.
"Chúng tôi tin rằng công cụ này đang vi phạm mọi cơ chế thị trường. Nó là mối đe dọa đối với ngành công nghiệp dầu mỏ toàn cầu... Chúng tôi sẵn sàng cắt giảm sản lượng (có chủ ý)" – Phó Thủ tướng Novak tuyên bố trên truyền hình, theo TASS.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak. Ảnh: Reuters
Ông Novak cho biết thêm Nga sẽ sản xuất 530 triệu tấn dầu (10,6 triệu thùng/ngày) trong năm 2022 và 490 triệu tấn trong năm 2023.
Ông Novak đồng thời tuyên bố Moscow sẵn sàng cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 2 nếu cần thiết. Đường ống này được xây dựng vào tháng 9-2021 nhưng bị Đức bỏ rơi chỉ vài ngày trước khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24-2.
Trong khi đó, Nhà Trắng ngày 5-10 chỉ trích quyết định của OPEC+ (Liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số nhà sản xuất bên ngoài) về việc cắt giảm đáng kể sản lượng dầu.
Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre khẳng định đây "rõ ràng" là một dấu hiệu cho thấy OPEC+ đang đứng về phía Nga. Cũng theo bà Jean-Pierre, quyết định của OPEC+ sẽ gây ảnh hưởng đến các nền kinh tế thu nhập thấp và trung bình, nhất là khi kinh tế toàn cầu đang chịu nhiều tác động vì xung đột Nga-Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden mô tả quyết định cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ là "thiển cận". Ảnh: Reuters
Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi giới chức và quốc hội Mỹ tìm cách thúc đẩy sản xuất năng lượng trong nước và làm suy yếu ảnh hưởng của OPEC+ đối với thị trường dầu thế giới. Ông chủ Nhà Trắng đã gọi động thái nêu trên của OPEC+ là "thiển cận".
Những tuyên bố trên được đưa ra không lâu sau khi OPEC+ vào ngày 5-10 thống nhất mức cắt giảm 2 triệu thùng/ngày so với mức sản xuất đã được duy trì từ tháng 8-2022.
Quyết định trên bắt đầu có hiệu lực vào tháng 11 tới và được dự đoán sẽ khiến giá dầu toàn cầu gia tăng trong lúc Mỹ chuẩn bị tiến hành đợt bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày 8-11.
Để giảm thiểu tác động, Tổng thống Biden đã yêu cầu "xả" 10 triệu thùng từ Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược của Mỹ, bắt đầu từ tháng 11.
Bình luận (0)