Đây là một phần của dự án được kỳ vọng sẽ thiết lập hệ thống thông tin liên lạc “không thể bị tấn công”. Tên lửa Trường Chinh 2D mang vệ tinh QUESS nói trên được phóng tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở khu tự trị Nội Mông.
“Sứ mệnh kéo dài 2 năm của vệ tinh là phát triển hệ thống thông tin liên lạc lượng tử, cho phép người sử dụng trao đổi thông tin an toàn và nhanh hơn tốc độ ánh sáng. Liên lạc lượng tử có mức độ bảo mật cực cao bởi mỗi photon lượng tử không thể bị chia tách hoặc sao chép. Vì thế, thông tin trao đổi bằng phương thức này không thể bị đọc trộm, nghe lén hoặc đánh cắp” - Tân Hoa Xã cho biết.
Trước mắt, vệ tinh nặng 600 kg này sẽ giúp bảo đảm sự liên lạc giữa Bắc Kinh và thủ phủ Urumqi của khu tự trị Tân Cương, nơi bị bất ổn về an ninh thời gian qua. Về lâu dài, Bắc Kinh dự báo công nghệ mới này có tiềm năng ứng dụng trong những lĩnh vực như quốc phòng, quân sự, tài chính…
Tên lửa Trường Chinh 2D mang vệ tinh QUESS được phóng hôm 16-8 Ảnh: THX
Trung Quốc không tiết lộ số tiền dành cho nghiên cứu lượng tử hoặc kinh phí chế tạo vệ tinh nói trên. Tuy nhiên, ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học, trong đó có vật lý lượng tử, của Trung Quốc trong năm 2015 là 101 tỉ USD, nhảy vọt so với 1,9 tỉ USD năm 2005. Trong khi đó, các nhà khoa học tại châu Âu, Mỹ, Nga, Canada và Nhật Bản từng đề xuất kế hoạch đưa công nghệ lượng tử lên không gian nhưng bị trì hoãn bởi nhiều lý do, trong đó có việc cắt giảm ngân sách.
Tại Mỹ, chính phủ liên bang hiện phân bổ 200 triệu USD/năm cho nghiên cứu về lượng tử. Một báo cáo của một nhóm quan chức khoa học, tình báo, quốc phòng Mỹ hồi tháng 7 nhận định khoa học lượng tử sẽ giúp cải thiện an ninh quốc gia. “Đang có cuộc đua phát triển vệ tinh lượng tử và nhiều khả năng Trung Quốc sẽ thắng. Điều này cho thấy khả năng của Trung Quốc trong việc theo đuổi và hiện thực hóa những dự án quy mô lớn đầy tham vọng” - ông Nicolas Gisin, một nhà vật lý lượng tử tại Trường ĐH Geneva (Thụy Sĩ), nhận định với tờ The Wall Street Journal.
Dự án vệ tinh lượng tử nói trên mất 5 năm thực hiện và là một phần của chương trình không gian đầy tham vọng được tăng tốc kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền cuối năm 2012. Riêng công nghệ lượng tử được xem là ưu tiên chiến lược hàng đầu trong kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm được Bắc Kinh công bố hồi tháng 3 qua. Trung Quốc lâu nay nhấn mạnh chương trình không gian của họ là nhằm mục đích hòa bình. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ lo ngại Bắc Kinh có ý đồ ngăn các nước đối thủ sử dụng không gian trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.
Bình luận (0)