xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc gặp cân não ở Helsinki

LỤC SAN

Mối quan hệ Mỹ - Nga lúc này tệ hại đến mức nó bắt đầu trở nên nguy hiểm đối với tất cả mọi quốc gia nếu diễn biến tiếp tục đi theo hướng này

Có thể nói cả thế giới đang hướng sự chú ý đến Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Helsinki - Phần Lan trong ngày 16-7.

Khó lường

Cuộc hội đàm diễn ra vào thời điểm niềm tin của thế giới phương Tây vào sức mạnh của Mỹ như một đối trọng với Nga đã bị thách thức trong bối cảnh Tổng thống Trump chỉ trích thậm tệ các đồng minh nhưng có thái độ phớt lờ hành vi sáp nhập Crimea và sự can thiệp vào bầu cử ở Mỹ của Nga. Ngoài ra, ông chủ Nhà Trắng còn đe dọa bỏ mặc liên minh xuyên Đại Tây Dương vốn vẫn kìm hãm sức mạnh của Moscow kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai đến nay.

Bà Laura Rosenberger, chuyên gia về đối ngoại của Mỹ, nhận định: Sau tuần lễ tổng thống Mỹ đối xử tệ hại với các đồng minh - từ Thủ tướng Đức Angela Merkel, NATO và Thủ tướng Anh Theresa May, thế giới sẽ càng chấn động hơn nếu như cuộc gặp mặt của ông với nhà lãnh đạo Nga là một dịp khác nữa để ông thể hiện cảm tình với đối thủ. Theo kênh NBC News, trong suốt nhiều năm qua, ông Trump đã lên tiếng ngưỡng mộ ông Putin - "một nhà lãnh đạo hơn hẳn tổng thống của chúng ta", như ông từng nói khi đề cập Tổng thống Barack Obama vào năm 2016, đồng thời gạt bỏ những chỉ trích nhắm vào ông chủ Điện Kremlin.

Cuộc gặp cân não ở Helsinki - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp mặt ở Hamburg - Đức hồi tháng 7-2017 Ảnh: SPUTNIK/EPA

Thực sự là sau Hội nghị Thượng đỉnh NATO hỗn loạn ở Brussels - Bỉ hồi tuần rồi, các đồng minh của Mỹ tỏ ra lo lắng về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Trump - Putin. Giới phê bình lo ngại ông Trump quá quan tâm đến việc giành được cảm tình của ông Putin và không mấy để ý đến lợi ích của Mỹ trong khi dư luận ở Washington đều chung quan điểm Nga là mối đe dọa ngày càng tăng đối với Mỹ và các đồng minh.

Ông Markku Kangaspuro - Giám đốc Viện Aleksanteri tại Đại học Helsinki, chuyên nghiên cứu Nga và Đông Âu - cho rằng có một số mặt tích cực ở cuộc gặp này đối với cả 2 tổng thống và quốc gia của họ cũng như thế giới. Trước tiên là nó đáp ứng nhu cầu cần thiết có một cuộc đối thoại giữa hai thế lực hạt nhân lớn Mỹ và Nga. Theo ông, mối quan hệ giữa họ lúc này tệ hại đến mức nó bắt đầu trở nên nguy hiểm đối với tất cả mọi quốc gia nếu diễn biến tiếp tục đi theo hướng này.

"Sự khó lường và thiếu khả năng tập trung của ông Trump đang khiến nhiều người lo lắng. Các vấn đề giữa Nga và Mỹ luôn có bản chất mang tính hệ thống. Không thể đạt được sự đột phá nếu không có sự chuẩn bị và cam kết thích đáng. Người ta hoài nghi ông Trump có thể mang lại điều đó" - ông Alexey Sushentsov, Giám đốc chương trình tại Câu lạc bộ Valdai, diễn đàn có liên hệ với Điện Kremlin, xác nhận.

Mơ hồ

Trước khi diễn ra cuộc gặp Trump - Putin, không ai biết hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ sẽ thảo luận những vấn đề gì. Điện Kremlin cho rằng "cuộc chạy đua vũ trang mới" sẽ khởi đầu cuộc đối thoại. Thế nhưng, theo kênh CNBC, người ta không rõ liệu ông Trump có muốn bàn bạc các khía cạnh phức tạp của vấn đề kiểm soát vũ khí hay không. Thêm vào đó, dư luận còn biết rõ cố vấn an ninh quốc gia John Bolton của ông không phải là người ủng hộ các hiệp ước kiểm soát vũ khí.

Các vấn đề khiến Nga khó chịu nhất lại vượt ra ngoài quyền hạn tổng thống của ông Trump. Chẳng hạn, lệnh trừng phạt chủ yếu do quốc hội Mỹ nắm quyền kiểm soát và các nhà lập pháp Mỹ liên kết nó với hành vi sáp nhập bán đảo Crimea. Ngoài ra, những bình luận gần đây của ông Trump cho rằng vấn đề Crimea đang nằm trên bàn đàm phán có thể đã khiến Kiev quan ngại.

Dư luận kỳ vọng nhiều hơn vào sự thỏa thuận ở Trung Đông. Hôm 1-7, sau chuyến thăm Moscow, ông Bolton cho biết đề tài binh sĩ Iran ở Syria sẽ được thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh Trump - Putin. Một vài ngày sau đó, báo Kommersant đưa tin Moscow sẽ cam kết giúp đưa binh sĩ Iran tránh xa biên giới Israel, để đổi lấy việc Mỹ rút khỏi khu vực này. Tổng thống Trump hôm 13-6 đã nhấn nhá dự định bàn bạc với người đồng cấp Nga một số vấn đề mà các đối tác NATO đã nêu lên với ông tại hội nghị. Đặc biệt, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết chương trình nghị sự giữa ông và ông Putin bao gồm nhiều vấn đề mà các nước NATO lo lắng nhất, trong đó có Ukraine, Syria, Trung Đông và phổ biến hạt nhân.

Trong khi đó, về phần mình, Tổng thống Putin đang thiết tha bình thường hóa mối quan hệ với Mỹ vốn đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số quan chức chính phủ Nga, liên quan đến sự can thiệp quân sự vào Ukraine và tấn công không gian mạng ở Mỹ. Nhiều ý kiến cho rằng chưa cần biết kết quả cuối cùng của cuộc gặp thượng đỉnh, ông Putin đã là người chiến thắng.

Syria, Ukraine "thắc thỏm"

Lo ngại sẽ "có biến" bất ngờ trong cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Nga, các trợ lý của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rất muốn "lèo lái" chủ đề Syria ra xa khỏi chương trình nghị sự khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau ở Helsinki, theo tiết lộ của một quan chức Mỹ trên tờ The Daily Beast.

Nhiều người Syria lo ngại ông chủ Nhà Trắng sẽ phó mặc số phận của họ cho sự định đoạt của Tổng thống Bashar al-Assad vốn đang được Tổng thống Putin hậu thuẫn. Trong khi đó, điều các quan chức Mỹ, các nhà hoạt động Syria và các nhà phân tích Trung Đông lo ngại nhất là ông Trump cuối cùng sẽ thuận theo ý Moscow và điều quân đội Mỹ rời khỏi Syria - một động thái mà gần đây nhà lãnh đạo Mỹ cũng tỏ ra rất muốn thực hiện, nhất là khi ông đã nói rằng "hy vọng một ngày nào đó ông Putin sẽ là một người bạn".

Nếu điều đó xảy ra, Tổng thống Assad với sự hậu thuẫn của ông Putin sẽ không còn gặp phải chướng ngại nào để tiến đến chiến thắng cuối cùng trong cuộc xung đột có thể xem là dai dẳng và đẫm máu nhất trong nửa đầu thế kỷ XXI.

Mặc dù đề tài Syria hầu như đã biến mất khỏi những cuộc đối thoại của Washington kể từ khi ông Trump dọa sẽ rút quân khỏi Syria hồi tháng 3 nhưng các cuộc xung đột chồng chéo ở quốc gia Trung Đông này vẫn tiếp diễn. Một lực lượng đặc nhiệm Mỹ gồm khoảng 2.000 người đã ở lại vùng Đông Bắc Syria để làm việc cạnh lực lượng người Kurd do Mỹ bảo trợ. Mối quan hệ giữa Mỹ lực lượng người Kurd, vốn đã giúp quân đội Mỹ có sân bay và bãi đáp cho các hoạt động chiến dịch và tiếp tế, được cho là đang tập trung vào giai đoạn chiến dịch cuối cùng nhằm chống lại tàn dư của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và ngăn chặn sự hồi sinh của IS.

Dưới góc nhìn của các trợ lý tổng thống Mỹ, nếu ông Trump không đồng ý với người đồng cấp Nga về việc rút quân đội Mỹ khỏi Syria, điều đó đồng nghĩa Washington sẽ không bỏ mặc các đồng minh người Kurd và sẽ tiếp tục tạo sức ép lên IS.

Ở một góc độ khác, về phía Ukraine, nỗi lo dồn về khả năng rốt cuộc Crimea có thể trở thành quân bài mặc cả của Tổng thống Trump trong vấn đề Syria. Theo phân tích của chiến lược gia cấp cao Timothy Ash tại Công ty Bluebay Asset Management, Kiev lo Tổng thống Trump có thể công nhận Crimea thuộc Nga để đổi lấy việc Nga rút khỏi Syria hoặc những ủng hộ đối với các mục tiêu chiến lược lớn hơn của Mỹ ở Trung Đông, chẳng hạn như chống lại Iran. "Bất cứ sự nhượng bộ nào như vậy cũng có thể gây ra một sự hủy hoại lớn đối với ổn định chính trị tại Ukraine" - ông Ash nhấn mạnh.

NGÂN THƯƠNG

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo