Đây có thể được ca ngợi là hành động "hy sinh" hoặc bị chỉ trích vi phạm quy tắc đạo đức quốc tế nhưng những gì Công ty SinoPharm làm đã nêu bật việc Trung Quốc đang đặt cược lớn đến đâu vào nỗ lực đánh bại Mỹ và Anh trong cuộc chiến vắc-xin Covid-19.
Ông Lawrence Gostin, chuyên gia tại Trường ĐH Georgetown (Mỹ), thậm chí so sánh cuộc cạnh tranh này không khác gì cuộc đua lên mặt trăng giữa Mỹ và Liên Xô trước kia.
Một nhà máy sản xuất vắc-xin của Công ty SinoPharm ở thủ đô Bắc Kinh – Trung Quốc Ảnh: TÂN HOA XÃ
Với Bắc Kinh, về đích đầu tiên trong cuộc đua vắc-xin Covid-19 sẽ là cú hích lớn không chỉ về mặt khoa học mà còn cả chính trị. Trong số hơn 20 vắc-xin Covid-19 tiềm tàng đang được thử nghiệm trên người trong các giai đoạn khác nhau trên thế giới, 8 loại đến từ Trung Quốc.
SinoPharm hôm 15-7 bắt đầu giai đoạn cuối cùng của cuộc thử nghiệm tại Abu Dhabi - 1 trong 7 tiểu vương quốc thuộc Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất. Theo Reuters, cuộc thử nghiệm này có sự tham gia của 15.000 người tình nguyện và dự kiến kéo dài 3-6 tháng. Một công ty Trung Quốc khác là Sinovac Biotech cũng đang trong giai đoạn cuối của cuộc thử nghiệm tại Brazil.
Ông Yanzhong Huang, chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ), cho rằng hành động tiêm vắc-xin thử nghiệm sớm trên nhân viên của SinoPharm "gửi tín hiệu đến người dân Trung Quốc rằng họ không cần lo ngại về an toàn của vắc-xin". Trong khi đó, ông Derrick Au, chuyên gia Trường ĐH Hồng Kông Trung Quốc, lo ngại khía cạnh đạo đức y học có thể bị phớt lờ nếu một trong những vắc-xin của Trung Quốc chứng tỏ hiệu quả và được tung ra thị trường đầu tiên.
Dù vậy, theo hãng tin AP, một số nhà phân tích cảnh báo với những bê bối y học trong quá khứ, Bắc Kinh sẽ gặp không ít thách thức trong việc thuyết phục các nước bên ngoài mua loại vắc-xin Covid-19 này, nếu có.
Bình luận (0)