Đây là một bước đi quan trọng trong nỗ lực hiện thực hóa tham vọng "sản xuất vài trăm triệu liều vắc-xin chống Covid-19 đến đầu năm 2021" của Mỹ.
Theo các nguồn tin, 5 công ty nêu trên bao gồm Moderna (Mỹ), nhóm hợp tác AstraZeneca - Trường ĐH Oxford (Anh) và 3 "gã khổng lồ" ngành dược Johnson & Johnson (Mỹ), Merck (Đức), Pfizer (Mỹ). Mỗi công ty đều có hướng tiếp cận riêng.
Các chương trình phát triển vắc-xin của Moderna, Johnson & Johnson và nhóm Oxford - AstraZeneca đến giờ đã nhận được tổng cộng 2,2 tỉ USD tiền tài trợ từ quỹ Liên bang Mỹ. Lọt vào danh sách trên sẽ giúp những công ty nêu trên được chính phủ Mỹ tài trợ thêm, hỗ trợ tiến hành các cuộc thử nghiệm lâm sàng cũng như hậu thuẫn về tài chính lẫn hậu cần để xây dựng cơ sở sản xuất bất chấp việc vắc-xin đang phát triển có thành công hay không.
Quốc gia đầu tiên phát triển thành công vắc-xin chống Covid-19 có thể đạt được nhiều lợi ích, kể cả kinh tế và ngoại giao Ảnh: REUTERS
Hai trong số những ứng viên vắc-xin được chính quyền Tổng thống Donald Trump chọn, do Moderna và các nhà khoa học tại Trường ĐH Oxford phát triển, hiện đã vào giai đoạn thử nghiệm thứ 2, nghĩa là mức độ hiệu quả của chúng đang được kiểm nghiệm trên nhiều người.
Những quốc gia khác, bao gồm Trung Quốc, cũng đang nỗ lực điều chế vắc-xin. Cuộc đua này làm dấy lên lo ngại vắc-xin có thể được cung cấp theo "chủ nghĩa quốc gia" thay vì dựa trên nhu cầu thực tế.
Xuất phát từ tình hình này, báo Handelsblatt cho biết Đức cùng 3 thành viên khác trong khối Liên minh châu Âu (EU) - gồm Pháp, Ý và Hà Lan - đang thành lập một liên minh mới để bảo đảm vắc-xin chống Covid-19 khi phát triển thành công sẽ được phân chia công bằng trên toàn thế giới và EU không bị "thua thiệt" so với Mỹ và Trung Quốc trong cuộc đua vắc-xin.
Trong khi đó, theo Reuters, Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 4-6 chủ trì hội nghị thượng đỉnh trực tuyến toàn cầu về vắc-xin để gây quỹ cho liên minh vắc-xin GAVI. Với sự tham gia của đại diện đến từ hơn 50 quốc gia, hội nghị đặt mục tiêu gây quỹ ít nhất 7,4 tỉ USD cho GAVI để đến năm 2025, liên minh này có thể tiêm chủng thêm 300 triệu trẻ em tại các nước nghèo nhất thế giới, giúp chống lại những căn bệnh như bại liệt, bạch hầu và sởi.
Bình luận (0)