Bà Nuland đã có cuộc gặp với người được bổ nhiệm làm Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Niger, ông Moussa Salau Barmu, cũng như 3 cộng sự thân cận nhất của ông này.
Theo đài CNN, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đã dành hơn 2 giờ để "đối thoại cực kỳ thẳng thắn và đôi khi khá khó khăn" với chỉ huy quân sự của quân nổi dậy Niger.
Bà Nuland nói với các phóng viên hôm 7-8 rằng Mỹ "sẵn sàng nói chuyện" và kêu gọi ông Barmou và tướng lĩnh đảo chính ở Niger lắng nghe lời đề nghị của Washington, hợp tác để giải quyết bằng con đường ngoại giao và "quay trở lại trật tự hiến pháp" của Niger.
Bà Nuland hy vọng lãnh đạo đảo chính ở Niger sẽ để ngỏ cánh cửa ngoại giao. "Chúng tôi đã đưa ra đề xuất đó" - bà Nuland nói.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Victoria Nuland. Ảnh: CNN
Bà Nuland đã thẳng thắn nói về những rủi ro có thể xảy ra, đồng thời cho biết Mỹ đang thúc đẩy một giải pháp đàm phán ở Niger. Tuy nhiên, bà Nuland khẳng định chuyện này không dễ dàng, bởi vì nhóm quân đội đảo chính tỏ ra khá kiên quyết trong quan điểm.
Bà Nuland lưu ý rằng bà đã không được phép gặp gỡ Tướng Abdourahmane Tiani, người được giới lãnh đạo đảo chính tuyên bố là nguyên thủ quốc gia mới của Niger, "vì vậy chúng tôi phải phụ thuộc vào ông Barmou để làm rõ lại những gì đang bị đe dọa".
Tướng Abdourahmane Tiani (thứ ba từ phải sang), lãnh đạo đảo chính ở Niger, tại thủ đô Niamey ngày 28-7. Ảnh: Reuters
Bà Nuland là quan chức cấp cao nhất của Mỹ gặp trực tiếp các tướng lĩnh đảo chính ở Niger. Theo đài CNN, đây được xem là một nỗ lực ngoại giao quan trọng nhằm khôi phục chế độ dân chủ ở quốc gia từng là đối tác quan trọng của Mỹ.
Theo báo Wall Street Journal, nhiệm vụ chính của bà Nuland trong chuyến đi tới thủ đô Niamey là tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở quốc gia châu Phi này. Nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ đã nhiều yêu cầu được gặp Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum nhưng không được phe nổi dậy chấp thuận.
Chuyến đi của bà Nuland tới thủ đô Niamey được thực hiện theo yêu cầu của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, diễn ra chưa đầy hai tuần sau khi các thành viên của lực lượng bảo vệ tổng thống Niger lên nắm quyền và một ngày sau thời hạn do Cộng đồng Kinh tế của các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đặt ra cho chính quyền quân sự Niger khôi phục quyền lực của Tổng thống Mohamed Bazoum.
Các lãnh đạo nhóm quân đội đảo chính ở Niger đã bỏ qua tối hậu thư của ECOWAS về hạn chót 6-8, bất chấp lời cảnh báo sẽ tiến hành can thiệp vũ trang nếu thời hạn chót này bị bỏ lỡ.
Luật về viện trợ nước ngoài của Mỹ nghiêm cấm hầu hết hỗ trợ cho bất kỳ quốc gia nào mà người đứng đầu chính phủ dân cử bị phế truất bằng đảo chính hoặc sắc lệnh. Nếu Washington kết luận rằng một cuộc đảo chính đã xảy ra ở Niger, chính phủ Mỹ sẽ phải làm theo luật.
Có khoảng 1.100 lính Mỹ đang đồn trú tại 2 căn cứ ở Niger.
Bình luận (0)