Cậu bé đến từ tiểu hành tinh B-612 trong cuốn tiểu thuyết kinh điển "Hoàng tử bé" của Antoine de Saint-Exupéry (năm 1943) kể rằng cậu nhìn thấy mặt trời lặn 44 lần trong một ngày. Đúng là trái đất lớn hơn nhiều so với tiểu hành tinh B-612 nhưng liệu có người trái đất nào có thể vượt qua kỷ lục đó không?
Theo giả thuyết, nếu bắt đầu ở một vị trí trên trái đất nơi mặt trời đang lặn và di chuyển về phía Tây với tốc độ trái đất quay, thì chúng ta có thể ở trạng thái hoàng hôn liên tục.
Vào năm 2014, một cựu phi công Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng một nhiếp ảnh gia, một nhà làm phim đã cố gắng theo dõi cảnh hoàng hôn trên toàn cầu, qua tất cả 24 múi giờ, như một chiến dịch quảng bá cho hãng đồng hồ Citizen. Họ đã thất bại nhưng chí ít nỗ lực đó cho thấy một cái nhìn khoa học hơn về việc đuổi theo hoàng hôn.
Đảo Skye – Scotland là một trong những địa điểm ngắm hoàng hôn trên biển đẹp nhất thế giới. Ảnh: isleofskye.com
Về mặt lý thuyết, Gerd Kortemeyer, phó giáo sư vật lý tại Trường ĐH bang Michigan (Mỹ), cho biết tại bất kỳ thời điểm nào, một vùng đất nhất định sẽ được chiếu sáng bởi mặt trời. Khi trái đất quay về hướng Đông, vị trí nhất định đó sẽ đi vào, đi qua và ra khỏi khu vực được chiếu sáng, nói cách khác là trải qua bình minh, ban ngày và sau đó là hoàng hôn.
Ông Kortemeyer nói: "Điều chúng ta sẽ phải làm nếu muốn theo dõi mặt trời mọc hoặc mặt trời lặn, là giữ sao cho chúng ta luôn ở ngay đường biên giới giữa khu vực trái đất được chiếu sáng và khu vực không được chiếu sáng".
Để làm được điều đó tại xích đạo, nơi hành tinh có chu vi cực đại, chúng ta phải bay với vận tốc 1.609 km/giờ, theo trang HowStuffWorks. Điều đó dường như không thể bởi hầu hết các máy bay thương mại bay với tốc độ từ 740 đến 925 km/giờ, trong khi phi đội Blue Angels (đội bay biểu diễn) của Hải quân Mỹ bay với tốc độ tối đa 1.126 km/giờ.
Hoàng hôn vĩnh viễn
Vào năm 2014, hãng đồng hồ Citizen (Nhật Bản) đã hợp tác với công ty quảng cáo Wieden+Kennedy (Mỹ) để quảng bá cho đồng hồ Eco-Drive Satellite Wave F100 với khả năng tự động điều chỉnh theo sự thay đổi múi giờ trong vòng vài giây.
Công ty đã quyết định làm điều đó bằng cách bay qua tất cả các múi giờ và ghi lại khả năng điều chỉnh của đồng hồ. Công ty đã tập hợp một nhóm bao gồm cựu phi công NATO Jonathan Nicol, nhiếp ảnh gia Simon Roberts và nhà làm phim Tristan Patterson để cố gắng bay qua mọi múi giờ vào lúc hoàng hôn.
Nhóm đuổi theo hoàng hôn trên khắp Greenland, sau đó là Canada. Ảnh: YouTube
Họ không thực hiện thí nghiệm ở đường xích đạo. Thay vào đó, họ thực hiện đường bay ở Bắc Cực (vĩ độ 80 độ), nơi Trái đất quay với tốc độ khoảng 290 km/giờ. Đội bay đã cất cánh ở Iceland, bay về phía Đông Bắc để đến vĩ tuyến 80 độ Bắc, sau đó quay lại để bắt đầu hành trình về phía Tây, đuổi theo hoàng hôn trên khắp Greenland, sau đó là Canada.
Trang Live Science dẫn lời ông Patterson cho biết kế hoạch ban đầu bao gồm việc bay qua Nga, cũng như dừng lại để tiếp nhiên liệu ở Siberia. Tuy nhiên, Nga từ chối cho phép hạ cánh. Xung đột giữa Nga và Ukraine chỉ mới bắt đầu vào tháng 2 năm đó, làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và phương Tây. Những căng thẳng đã ảnh hưởng đến dự án của nhóm nghiên cứu đuổi theo hoàng hôn.
Đuổi theo hoàng hôn
Không được phép tiếp nhiên liệu ở Nga, họ quyết định không bay qua không phận Nga mà bay về phía Tây chỉ trong 8 giờ, đi qua Greenland và hạ cánh ở Vịnh Resolute (Canada). Tại đó, thay vì tiếp tục đi qua eo biển Bering và vào Nga, họ đã dừng lại. Cuối cùng, điều ngăn cản nhóm nghiên cứu đuổi theo hoàng hôn trên toàn cầu không phải là thách thức khoa học mà là một thách thức chính trị.
Tuy nhiên, trong suốt 8 giờ đó, việc đuổi theo hoàng hôn diễn ra rất ly kỳ. Nhiếp ảnh gia Roberts chia sẻ: "Tôi đã rất phấn khích về việc ở trong trạng thái hoàng hôn vĩnh viễn này. Hoàng hôn là một điều gì đó vô cùng lãng mạn. Thử và ở trong trạng thái đó trong 24 giờ là một ý tưởng tuyệt vời. Về mặt khái niệm, tôi nghĩ đó là một điều khá phi thường để thử và thực hiện".
Bình luận (0)