xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc sát hạch cho Iran, Nga

Hoàng Phương

Washington kết luận rằng hy vọng duy nhất để ngăn tổng thống Syria tiếp tục nắm quyền là đàm phán với 2 “nhà tài trợ” Nga và Iran

Giới chức Iran tham gia vòng đàm phán mới về tình hình Syria tại thủ đô Vienna - Áo trong ngày 30-10 (giờ địa phương), qua đó đánh dấu bước đột phá ngoại giao được tìm kiếm lâu nay. Đây là lần đầu tiên Tehran có tiếng nói trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ngày một leo thang và phức tạp này.

Hy vọng duy nhất

Việc nhận lời mời tham gia đàm phán đưa Iran ngồi chung bàn với Mỹ và Ả Rập Saudi, bên cạnh Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Ai Cập, Jordan, Qatar và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Vòng đàm phán gần đây nhất khép lại hôm 23-10 mà không đạt được kết quả ngay cả khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov chia sẻ những mục tiêu chung: tiêu diệt nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, ngăn Syria tan rã và để người dân nước này quyết định tương lai đất nước.

Diễn biến trên cũng là lần đầu tiên Mỹ nhìn nhận các cuộc thảo luận về tương lai Syria khó có thể thành công nếu không có sự tham gia của Iran.

Lo ngại sự hỗ trợ quân sự của Moscow và Tehran đang giúp củng cố chế độ Tổng thống Bashar al-Assad, Washington đã đi đến kết luận rằng hy vọng duy nhất để ngăn nhà lãnh đạo này tiếp tục nắm quyền là tìm kiếm giải pháp chính trị với 2 “nhà tài trợ” chính nói trên. Kênh Fox News hôm 28-10 dẫn nguồn tin tình báo phương Tây cho biết Nga đã giúp Iran chuyển vũ khí sang Syria 2 lần/ngày trong suốt 10 ngày qua bằng chính máy bay Nga.

 

Máy bay chiến đấu Su-30 của Nga tại căn cứ không quân Hmeymim gần TP Latakia - Syria Ảnh: Reuters
Máy bay chiến đấu Su-30 của Nga tại căn cứ không quân Hmeymim gần TP Latakia - Syria Ảnh: Reuters

 

Theo báo The New York Times, sự tham gia của Iran vào hội nghị chứng tỏ quốc gia Trung Đông này không còn bị gạt ra lề bàn cờ Syria (do sức ép của Mỹ).

Ông Eric Draitser, chuyên gia địa chính trị người Mỹ, giải thích Washington buộc phải đổi quan điểm vì nhận thấy Tehran đang dần đóng vai chính ở cả Damascus và Baghdad. “Mỹ ngày càng nhận thức rõ ảnh hưởng của Iran trong khu vực” - ông Draitser nói với hãng tin Sputnik.

Động lực mới từ Nga

Dù vậy, vẫn có ý kiến chỉ trích lời mời trên là sự nhượng bộ của Mỹ đối với “tham vọng bá quyền” của Iran ở khu vực và hợp pháp hóa phong trào Hezbollah được Tehran chống lưng ở Lebanon.

“Bằng cách cho phép Iran tham gia các cuộc thảo luận, Mỹ đang nói rằng Iran có lợi ích hợp pháp ở Syria. Tuy nhiên, lợi ích duy nhất của Iran ở Syria là duy trì cây cầu dẫn đến Hezbollah ở Lebanon” - ông Tony Badran, nhà nghiên cứu tại Tổ chức Bảo vệ các nền dân chủ (Mỹ), nhận định với trang tin Business Insider.

Trong khi đó, ông Michael Pregent, một nhà nghiên cứu tại Viện Hudson (Mỹ), lo ngại lời mời trên đã hợp pháp hóa sự can dự của Iran vào cuộc chiến Syria và cho họ quyền bỏ phiếu cùng với Nga để giữ ông Assad tại vị.

Trong dấu hiệu cho thấy căng thẳng có thể xuất hiện từ sự hiện diện của Iran, Ngoại trưởng Ả Rập Saudi Adel al-Jubeiri hôm 28-10 tuyên bố nước này sẽ kiểm tra ý định thật sự của Nga và Iran tại cuộc gặp sắp tới.

“Nếu họ nghiêm túc (về việc tìm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột), chúng ta sẽ biết ngay. Nếu họ không nghiêm túc, chúng ta cũng sẽ biết và thôi phí thời gian với họ” - ông Adel al-Jubeiri phát biểu với giọng điệu hoài nghi và thận trọng. Theo báo The New York Times, hiện chưa rõ liệu đại diện Iran và Ả Rập Saudi có chịu ngồi chung bàn đàm phán ngày 30-10 hay không.

Hãng tin AP nhận định chính sự có mặt của Nga vào Syria trong gần 1 tháng qua, cùng với tuyên bố muốn tìm kiếm giải pháp chính trị của Moscow, đã tạo ra động lực mới trên mặt trận ngoại giao. Dù không nhiều người kỳ vọng về kết quả đột phá, cuộc hội đàm tại Vienna vẫn là nỗ lực nghiêm túc nhất từ trước đến giờ nhằm cứu Syria khỏi cuộc nội chiến kéo dài hơn 4 năm qua. Cuộc chiến này khiến ít nhất 250.000 người thiệt mạng, hàng triệu người rời bỏ nhà cửa và dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan khắp Trung Đông với cái tên đi đầu là IS.

 

IS dọa “tắm máu” Anh

Tổng Giám đốc Cơ quan Tình báo nội địa Anh (MI5) Andrew Parker hôm 28-10 cảnh báo mối đe dọa khủng bố mà đất nước đối mặt đang ở mức cao nhất trong sự nghiệp 32 năm của ông. Cũng theo ông Parker, IS đang lên kế hoạch cho những vụ tấn công gây thương vong lớn ở Anh. “IS sử dụng một loạt công cụ giao tiếp hiện đại để phát tán thông điệp về sự thù hận cũng như khuyến khích những phần tử cực đoan tấn công bằng bất kỳ cách thức nào có thể” - ông Parker cảnh báo, đồng thời tiết lộ hơn 750 người Anh đã đến Syria gia nhập các nhóm cực đoan.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo