Theo người phát ngôn Hải quân Mỹ, nữ thủy thủ nói trên bị đau bụng từ cuối tuần qua và được đưa vào phòng y tế trên tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower. Tại đây, đội y tế của tàu đã phát hiện cô có “tin vui”.
“Vị bác sĩ đa khoa tiến hành ca đỡ đẻ đặc biệt này vốn có chứng chỉ chuyên khoa sản và cũng từng có kinh nghiệm đỡ đẻ” – Chỉ huy Bill Urban, một người phát ngôn của Hạm đội 5 Hải quân Mỹ nói.
Em bé chào đời trên tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower hôm 11-9 là một bé gái. Bé nặng 3,1 kg, cất tiếng khóc chào đời vào lúc 4 giờ 35, theo giờ địa phương. Theo lời ông Urbab, cả hai mẹ con đều khỏe mạnh. Người mẹ nói cô không hay biết mình có bầu khi tàu rời cảng Norfolk, bang Virginia hôm 1-6.
Vị chỉ huy cho biết thêm hai mẹ con trên đã được trực thăng đưa tới Bahrain và nghỉ ngơi tại một bệnh viện bờ biển để theo dõi thêm.
Được biết tàu USS Dwight D. Eisenhower hiện đang trong sứ mệnh triển khai tháng thứ 7 tại Vịnh Persian. Các máy bay xuất phát từ đây đang tiến hành chiến dịch chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria.
Trong khi đó, một vụ "vượt cạn" đặc biệt khác diễn ra trên biển Địa Trung Hải. Một người phụ nữ Nigeria đã hạ sinh một bé trai ngay trên thuyền cứu hộ ở Địa Trung Hải sau khi được giải cứu khỏi một chiếc xuồng cao su đông đúc vào ngày 12-9.
Theo tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF), vì được sinh ra trong vùng biển quốc tế nên quốc tịch của bé trai này vẫn đang được thảo luận. Họ cho biết cha mẹ của bé, anh Otas và cô Faith Oqunbor, quyết định đặt tên con là Newman Otas.
Trước đó, họ đã thực hiện chuyến vượt biển nguy hiểm cùng hai đứa con, một bé 7 tuổi và một bé 5 tuổi, và được giải cứu chỉ 24 giờ trước khi bé Newman ra đời. Một nữ hộ sinh trên tàu cứu hộ MV Aquarius miêu tả ca vượt cạn “diễn ra bình thường trong những điều kiện bất thường và nguy hiểm”.
Cô Oqunbor cho biết mình cảm thấy “cực kì căng thẳng” khi lênh đênh trên chiếc xuồng cao su và đã cảm nhận được những cơn co thắt trong 3 ngày.
Bé Newman Otas cùng mẹ và nữ hộ sinh Jonquil Nicholl. Ảnh: Twitter, MSF
Nữ hộ sinh đỡ đẻ cho cô Oqunbor, cô Jonquil Nicholl, nói: “Tôi cảm thấy hoảng sợ khi nghĩ đến việc chuyện gì sẽ xảy ra nếu em bé được sinh ra sớm hơn 24 tiếng trên chiếc xuồng cao su chật kín người đó. Và 48 giờ trước đó, họ vẫn đang chờ đợi ở một bãi biển tại Libya, không biết chuyện gì sẽ diễn ra với mình”.
Nhân viên truyền thông của MSF, bà Alva White, cho biết những sự việc tương tự hiếm khi xảy ra trên tàu cứu hộ. Tuy nhiên, vào tháng 5, một người phụ nữ Cameron cũng từng vượt cạn trên chiếc tàu Aquarius.
Theo lời bà White, hiện tại có 392 người đang ở trên tàu, trong đó có 7 phụ nữ mang thai.
Hàng ngàn người tị nạn và di cư đã đánh cược mạng sống của mình, tìm cách vượt biển từ Libya tới châu Âu để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn. Vào năm 2015, hơn 3.700 người được cho là đã thiệt mạng vì chuyến hành trình hung hiểm.
Bình luận (0)