Cuối tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho khép lại 3 ngày đàm phán với người đồng cấp Thụy Điển Margot Wallström ở Stockholm. Trong khi đó, ông Choe Kang-il, Phó Giám đốc về các vấn đề Bắc Mỹ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên, được cho là đã thảo luận không chính thức với các cựu quan chức Mỹ và Hàn Quốc ở thủ đô Helsinki - Phần Lan.
Nhiều người cho rằng các cuộc họp tất bật do hai nước Bắc Âu chủ trì là nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh tiềm tàng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Trong những tháng qua, Liên minh châu Âu (EU) can dự nhiều hơn vào cuộc tranh cãi hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng. Do lo ngại tên lửa đạn đạo của Triều Tiên có thể bắn tới châu Âu nên rõ ràng EU có lợi ích trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, EU lại có mối dây liên kết với NATO, đồng thời nhiều nước thành viên khối này bán vũ khí "khủng" cho Hàn Quốc. Điều này khiến trong mắt giới lãnh đạo Bình Nhưỡng, chính phủ Thụy Điển là nhà trung gian đáng tin hơn nhiều.
Nữ Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Margot Wallström tiếp người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong-ho tại Stockholm từ ngày 15 đến 17-3 Ảnh: VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ THỤY ĐIỂN
Thụy Điển công nhận chính quyền Triều Tiên vào năm 1973, trở thành nước châu Âu đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với quốc gia Đông Bắc Á này. Đại sứ quán Thụy Điển tại Bình Nhưỡng đóng vai trò liên lạc giữa chính quyền Triều Tiên và các nước không có quan hệ ngoại giao với chủ nhà như Mỹ, Canada, Úc. Thụy Điển đã góp phần giúp phóng thích nhiều tù nhân phương Tây khỏi Triều Tiên.
Trong suốt Chiến tranh Lạnh, Thụy Điển và Phần Lan thường là địa điểm trung lập cho những cuộc thương thuyết giữa Mỹ và Liên Xô. Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Timo Soini gần đây đúc kết "làm trung gian hòa giải là một trong những ưu tiên chiến lược" của chính sách đối ngoại nước này. Các nước Bắc Âu còn tự nhận là "cường quốc hòa giải".
Sau cuộc gặp với ông Ri, Bộ trưởng Wallström nhấn mạnh tìm ra con đường hóa giải khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên là việc của các bên liên quan trực tiếp. Thế nhưng, nếu hai ông Trump và Kim thực sự gặp thượng đỉnh và đạt được một thỏa thuận, các nước Bắc Âu có thể thúc đẩy việc áp dụng vào thực tế. Họ có chuyên môn và uy tín quốc tế để làm việc này.
Bình luận (0)