3 năm trước, băng cướp biển của Isse Yuluh cướp một du thuyền đang đi vòng quanh thế giới và bắt giữ một gia đình Đan Mạch. Những con tin này cuối cùng được trả tự do với khoản tiền chuộc lên đến 3 triệu USD.
Nghề nguy hiểm
Sau đó, người của Yuluh tấn công một tàu chở dầu treo cờ Liberia và một tàu chở hóa chất của Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất ở ngoài khơi miền Bắc Somalia, địa bàn hoạt động chính của họ. Sau 10 tháng thương thảo, 48 thành viên thủy thủ đoàn của 2 chiếc tàu được phóng thích để đổi lấy khoản tiền chuộc 12 triệu USD.
Dù là một trong những thủ lĩnh cướp biển giàu có và đáng sợ nhất, Yuluh bất ngờ thông báo “gác kiếm” hồi tháng 5 và kêu gọi những tên cướp biển khác từ bỏ “công việc dơ bẩn này”. Trước Yuluh, một cướp biển khét tiếng khác là Mohamed Abdi Hassan cũng tuyên bố “từ bỏ cuộc chơi”.
Cảnh sát biển Malaysia kiểm tra một tàu chở dầu Singapore bị cướp biển tấn công hồi tháng 4
Ảnh: AP
Những diễn biến trên phần nào cho thấy Đông Phi không còn là mảnh đất màu mỡ cho cướp biển. Sự hiện diện ngày càng nhiều lực lượng hải quân quốc tế cộng với những bản án tù nghiêm khắc khiến cướp biển Somali không còn dám manh động như trước.
Tuy nhiên, hiệu quả nhất chính là việc các tàu hàng đi ngang Somalia tự tăng cường biện pháp đối phó cướp biển, trong đó có sử dụng nhân viên an ninh vũ trang.
Ông Alan Cole, điều phối viên chương trình chống tội phạm hàng hải của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC), nhận định với tạp chí Christian Science Monitor: “Tỉ lệ thành công thấp (của các vụ tấn công) trong lúc nguy cơ bị bắt giữ tăng cao biến cướp biển trở thành một “nghề” cực kỳ nguy hiểm, làm chùn chân những ai muốn đi vào con đường này”.
Chuyển sang cướp dầu
Theo Cục Hàng hải quốc tế (IMB), số vụ cướp biển ngoài khơi khu vực Sừng châu Phi, biển Đỏ và phía Tây Bắc Ấn Độ Dương đạt đỉnh điểm vào năm 2011, với 237 vụ được ghi nhận. Trong khi đó, từ đầu năm đến giờ, mới có 7 vụ cướp biển xảy ra ở những vùng biển nói trên và toàn bộ đều thất bại.
Số lượng con tin bị cướp biển cầm giữ cũng giảm mạnh, từ 1.206 người trong năm 2011 xuống còn 38 hiện nay. Hồi tháng 6 vừa qua, 11 thủy thủ Bangladesh, Sri Lanka, Iran và Ấn Độ đã được trả tự do sau gần 4 năm bị cầm giữ mà không có khoản tiền chuộc nào được trả.
Ngược lại, số vụ cướp biển ở Đông Nam Á lại gia tăng gần đây với mục tiêu chủ yếu là tàu nhỏ chở dầu diesel hoặc dầu MGO. Kể từ cuối tháng 4-2014 đến giờ, ít nhất 9 tàu chở dầu đã trở thành nạn nhân của những vụ cướp biển bí ẩn. Tám vụ xảy ra gần Malaysia và 1 vụ gần quần đảo Anambas của Indonesia.
Vụ mới nhất vào ngày 15-7 khi tàu MT Oriental Glory treo cờ Malaysia bị tấn công ngoài khơi bang Johor - Malaysia, khiến 3 thủy thủ bị thương. Ông Pottengal Mukundan, giám đốc IMB, nhận định bọn cướp biển nhằm vào dầu là vì chúng có giá trị và dễ bán. Do đó, số vụ cướp tương tự có thể gia tăng.
Ông Noel Choong, Giám đốc văn phòng châu Á của IMB, cho biết thêm Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol), các cơ quan tình báo và lực lượng quân sự trong khu vực vẫn đang điều tra số vụ tấn công nói trên, đồng thời tìm biện pháp ngăn chặn.
Một trở ngại là cả Indonesia và Malaysia lâu nay vẫn cấm triển khai nhân viên an ninh tư nhân vũ trang trên tàu vì cho rằng chỉ có cảnh sát và quân đội mới được quyền mang vũ khí.
Cướp biển mặc như ninja
Các vụ cướp biển ở Đông Nam Á có chung kịch bản. Bọn cướp thường ra tay vào ban đêm, khống chế thủy thủ đoàn trong nhiều giờ để rút nhiên liệu cho vào sà lan hoặc tàu chở dầu khác rồi bỏ đi. Trong một vụ xảy ra vào cuối tháng 5, theo ông Noel Choong, những kẻ có vũ trang “mặc trang phục màu đen kiểu như ninja” và trông rất chuyên nghiệp.
Bình luận (0)