Xác của hàng tá tàu chiến ma được cho là còn chứa đựng thi thể của hàng ngàn binh sĩ Anh, Mỹ, Úc, Hà Lan và Nhật Bản từ Thế chiến II, đang bị lục lọi phi pháp.
Kho báu dưới đáy biển
Bản phân tích những con tàu do giới thợ lặn xác tàu và các nhà sử học hải quân cho thấy có tới 40 con tàu thời Thế chiến II đã bị phá hủy một phần hoặc hoàn toàn. Bên trong tàu có thể còn thi thể của khoảng 4.500 thủy thủ. Các chính phủ sợ rằng những nấm mồ tàu chiến đáy biển chưa được phát hiện khác cũng đối mặt nguy cơ bị phá hoại.
Hàng trăm con tàu còn biệt tăm biệt tích, phần lớn là tàu Nhật Bản, có thể chứa hàng ngàn thủy thủ đoàn đã bỏ mạng trong chiến tranh. Xác những con tàu gỉ sét 70 tuổi này thường được bán phế liệu song chúng cũng còn một số kim loại giá trị như cáp đồng và chân vịt đồng phốt-pho.
Theo các chuyên gia, những kẻ đào mộ đáy biển thậm chí có thể tìm kiếm những kho báu quý giá hơn - nguồn thép hiếm được sản xuất trước thời kỳ thử nghiệm hạt nhân. Chúng là một trong những nguồn cuối cùng của loại thép thuần khiết, hoàn toàn không bị nhiễm phóng xạ vốn có giá trị cực kỳ quan trọng đối với một số thiết bị y tế và khoa học.
Báo The Guardian hồi năm ngoái tiết lộ xác của một số tàu chiến từng được nhiều vinh danh nhất của nước Anh đã bị trục vớt phi pháp, khiến giới khảo cổ và các cựu chiến binh không khỏi bất bình. Họ cáo buộc chính phủ xứ sở sương mù không hành động kịp thời để bảo vệ nơi an nghỉ của những con tàu dưới đáy biển.
Ba tàu chiến, gồm HMS Exeter, HMS Encounter và HMS Electra, chứa thi thể của hơn 150 thủy thủ đã bị chìm trong khi hoạt động ở biển Java năm 1942, một trong những cuộc chạm trán trên biển gây nhiều thiệt hại nhất cho quân đồng minh trong cuộc chiến.
Năm 2014, giới chức trách phát hiện xác của tàu HMS Repulse và HMS Prince of Wales cùng nghĩa địa của hơn 800 thủy thủ Hải quân Hoàng gia Anh đã bị những kẻ "đào mộ" trái phép làm hư hại nặng nề. Bộ Quốc phòng Anh đã yêu cầu Indonesia bảo vệ những tàu chiến ở vùng biển của quốc đảo này. "Xác tàu chiến cần phải được giữ gìn và những người đã khuất trên tàu cần được an nghỉ" - một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Anh nói.
Tàu HMS Encounter trước khi bị chìm tại biển Java năm 1942Ảnh: SCMP
Sau đó, các thợ lặn ở Malaysia gửi những bức ảnh tới The Guardian cho thấy sự tan hoang của 3 tàu chiến Nhật chìm ở bờ biển Borneo năm 1944 trong cuộc chiến tranh Thái Bình Dương. Và một trong những con tàu giá trị nhất của Úc - tàu tuần dương HMAS Perth - cũng bị cướp phá không thương tiếc.
Bộ trưởng Các vấn đề cựu binh Úc Dan Tehan cho hay: "Tàu HMAS Perth là nơi yên nghỉ cuối cùng của hơn 350 thủy thủ Úc, những người đã hy sinh tính mạng để bảo vệ những giá trị và tự do của nước Úc, thế nên thông tin xác tàu bị phá hoại cực kỳ gây phẫn nộ và quan ngại".
Vì tiền là chính
Ông James Hunter, thuộc Bảo tàng Hàng hải quốc gia Úc, là một trong những thợ lặn phát hiện 60%-70% con tàu HMAS Perth đã "không cánh mà bay". Đau đớn nhận ra những vị khách không mời đã "dọn dẹp" con tàu HMAS Perth sạch sẽ như thế nào, khi nhìn qua làn nước đục lầy của biển Java, ông Hunter chia sẻ: "Tôi kinh hãi vô cùng". Trong khi đó, quân đội Mỹ đã cử người tới Indonesia nhằm nỗ lực bảo vệ những xác tàu chiến chìm dưới đáy biển của mình sau khi hay tin một số đang bị nhòm ngó.
Những hình ảnh ghi nhận được về những con tàu lớn ở những bãi xác tàu dưới đáy biển cho thấy thân tàu thường chứa một lượng thép lớn. Các thợ lặn phát hiện nhiều tàu bị cắt đôi. Có những con tàu bị lấy đi toàn bộ, chỉ còn những dấu vết mang hình dạng một con tàu.
Người ta nhìn thấy những con tàu đăng ký ở Campuchia, Trung Quốc và Malaysia lảng vảng phía trên những nghĩa trang tàu. Trong một số trường hợp, thủy thủ đoàn của những con tàu này đã bị bắt giữ. Có trường hợp, những kẻ ăn cắp xác tàu còn kiếm được một lá thư từ trường đại học nào đó ở Malaysia ủy quyền cho bọn họ tiến hành cái gọi là hoạt động "nghiên cứu"! Những hoạt động bất chính này có vẻ gia tăng nhanh trong 18 tháng qua và vẫn còn nhiều bí ẩn về chúng. Nhiều nhà khảo cổ cho rằng bán các kim loại phế liệu thu được từ xác tàu chẳng đáng là bao so với chi phí đưa chúng lên khỏi đáy biển.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng bọn họ có thể kiếm lời bởi thân những con tàu này được cho là một trong những mỏ thép không nhiễm xạ ít ỏi còn lại của thế giới. Được sản xuất trước vụ nổ bom nguyên tử chấn động năm 1945 và các vụ thử hạt nhân theo sau, số thép này không bị nhiễm phóng xạ. Số lượng càng ít ỏi hơn sống sót qua thời gian ngâm trong nước biển sẽ cực kỳ hữu dụng cho những công cụ tinh chỉnh tỉ mỉ như máy đếm Geiger, cảm biến vũ trụ và chụp ảnh y học.
Một số tàu cổ nằm lại ở các vùng biển châu Âu còn bị sục sạo để lấy chì - cũng thuộc loại phóng xạ thấp và được sử dụng trong các nhà máy điện hạt nhân. Nhu cầu kim loại phế liệu từ Trung Quốc cũng có thể giúp bọn đào mộ xác tàu kiếm chác mà chưa cần kể tới việc bán các kim loại làm ra trước vụ thử hạt nhân đầu tiên. Ngay cả thép chất lượng thấp cũng có thể mang về khoảng 1,3 triệu USD/tàu.
Dù cho động cơ của hành động hủy hoại những con tàu được coi là báu vật lịch sử này là gì, hàng trăm xác tàu khác nằm lại ở vùng biển Đông Nam Á cũng đang có nguy cơ bị nhắm tới. Theo cảnh báo của ông Hunter, vấn đề ngày càng nghiêm trọng hơn khi những thiết bị "thu hoạch" xác tàu ngày càng tinh vi.
Bình luận (0)