Trong cuốn Merci pour ce moment (Cảm ơn khoảnh khắc này), cựu đệ nhất phu nhân Pháp kể lại chuyện tình năm xưa và nỗi tuyệt vọng của mình sau khi ông Francois Hollande yêu người khác.
Kiện được nhưng không có lợi
Trong sách có nhiều đoạn công khai những chuyện riêng tư của tổng thống mà nổi bật nhất là chuyện ông có người yêu mới, ruồng bỏ bà vợ “chưa cưới” gắn bó với ông hơn 9 năm từ lúc bình thường đến lúc trở thành tổng thống.
Trong vấn đề đời tư, Bộ Luật Dân sự nước Pháp nêu rất rõ ràng. Điều 9 quy định đời tư của mọi cá nhân phải được tôn trọng. Bị coi là xâm phạm đời tư khi phơi bày trước công chúng những chi tiết cuộc sống riêng tư của người khác mà không được phép của cá nhân (hoặc gia đình) người đó. Người xâm phạm có thể bị kiện ra tòa và bị phạt tiền hay các hình thức trừng phạt khác.
Trong trường hợp cuốn sách của bà Trierweiler đang ầm ĩ trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở trong và ngoài nước Pháp, yếu tố xâm phạm đời tư là có nhưng ở mức độ gây tranh cãi và không nghiêm trọng về mặt luật pháp. Ông Hollande rất bực mình về chuyện này vì chắc chắn ông chưa bao giờ đồng ý cho bà Trierweiler nói ra chuyện đó.
Như vậy, trên lý thuyết, Tổng thống Francois Hollande hoàn toàn có cơ sở để kiện bà Trierweiler ra tòa về tội xâm phạm đời tư của ông, đặc biệt là đời tư của một vị tổng thống đương nhiệm. Chức vụ tổng thống đã bị bà Trierweiler xúc phạm, như ông đã nhấn mạnh hôm 5-9 tại cuộc họp báo ở Cardiff, nơi diễn ra Hội nghị Cấp cao NATO.
Tuy vậy, cho tới bây giờ, chưa thấy Điện Élysée hay ông Hollande chuẩn bị hành động pháp lý nào. Luật sư Nicolas Rebbot, trên tờ Le Nouvel Oberservateur, tin rằng Tổng thống Hollande sẽ không kiện người vợ cũ vì “lợi bất cập hại”.
Tổng thống là người đặc biệt
Theo phân tích của vị luật sư nói trên, dù muốn hay không, Tổng thống Hollande là người của công chúng. Trên thực tế, đời tư của ông cũng thuộc về công chúng bởi vì ranh giới giữa công và tư ở đây ngày càng mong manh.
Mọi hành vi và sự kiện liên quan đến tổng thống (ví dụ như hình ảnh sinh hoạt riêng tư chụp trong các kỳ nghỉ hè) ngày nay thường xuyên phơi bày trên các phương tiện truyền thông đại chúng một cách bình thường. Từ đó, trong mắt các vị thẩm phán, “cặp đôi hoàn cảnh” Trierweiler - Hollande là một cặp nhân vật của công chúng. Người dân có quyền biết đời sống gia đình của họ ra sao. Nếu hạnh phúc thì uy tín của tổng thống càng được nhân dân tin tưởng.
Do đó, khi trở thành tổng thống, có thể nói, ông Hollande mặc nhiên từ bỏ đời tư (đã thuộc về công chúng) mặc dù luật pháp chưa bao giờ quy định điều đó.
Ông Francois Hollande chẳng có lợi gì để phản ứng lại những gì người vợ cũ nói huỵch toẹt trong sách. Sẽ có lợi hơn nếu ông áp dụng câu ngạn ngữ Latin phổ biến trong giới tòa án “De minimis non curat praetor” có nghĩa là “Quan tòa không nên quan tâm đến những chuyện vặt vãnh”.
Theo luật sư Rebbot, có thể xem bản chất những mẩu chuyện kể trong sách của bà Trierweiler về cuộc sống vợ chồng là vặt vãnh. Đúng là hiện giờ dư luận bàn tán xôn xao về chúng nhưng rồi sẽ nhanh chóng bị quên lãng, theo ông Rebbot.
Chưa phải bí mật quốc gia
So với cuốn Le grand secret xuất bản năm 1996 của bác sĩ Claude Gubler viết về đời tư của Tổng thống Francois Mitterrand sau khi ông này qua đời được 8 tháng, cuốn sách của bà Trierweiler rất khác biệt.
Ông Gubler là bác sĩ riêng của tổng thống. Bị gia đình ông Mitterrand kiện, tòa án kết tội ông Gubler vi phạm nghiêm trọng điều 9 Bộ Luật Dân sự khi tiết lộ nhiều chi tiết về tình trạng sức khỏe của tổng thống mà không xin phép gia đình.
Cụ thể, tác giả tiết lộ rằng ông Mitterrand đã nói dối quốc hội về tình trạng sức khỏe (ông bị ung thư tuyến tiền liệt) từ năm 1981 đến khi qua đời (8-1-1996). Đặc biệt “từ năm 1994, ông ấy không còn khả năng đảm đương chức vụ tổng thống”.
Sau 2 ngày bán rất chạy (40.000 cuốn), Le grand secret bị tịch thu. Ông Gubler, lúc đó làm phó thị trưởng thị trấn Cuges-Les-Pins (Bouches-du-Rhône), bị kết án 4 tháng tù treo về tội vi phạm bí mật nghề nghiệp. Ông cũng bị khai trừ khỏi Y sĩ đoàn Paris. Ông còn bị tòa ra lệnh bồi thường 340.000 quan Pháp cho gia đình ông Mitterrand.
Cuốn sách của bà Trierweiler, tuy vậy, là một hiện tượng tương đối mới và lạ ở chỗ tiết lộ một phần đời sống tình cảm của một chính khách, lại là một vị đứng đầu nhà nước. Nó không rơi vào sự dung tục như cuốn sách của Marcela Iacub viết về đời sống tình dục của ông Dominique Strauss-Kahn (thường gọi là DSK).
Ông DSK không phải là tổng thống, chức vụ danh giá nhất của ông là Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Tác giả đã đi quá đà khi mô tả những chi tiết mang tính dâm ô trong cuộc đời riêng của ông DSK, làm ô uế nhân phẩm ông. Lại một trường hợp vi phạm trắng trợn điều 9 Bộ Luật Dân sự, ông Iacub đã bị phạt 50.000 euro.
Nghịch cảnh bán sách
Luật pháp không cấm nhưng một số nhà sách ở Paris và các tỉnh lẻ đã tự kiểm duyệt, từ chối bán sách của cựu đệ nhất phu nhân Pháp vì nhiều lý do. Kiểu từ chối cũng muôn hình vạn trạng.
Nhà sách L’Amitière ở TP Rouen đề bảng: “Chúng tôi có 1.100 đầu sách nhưng chúng tôi không muốn trở thành thùng rác của Trierweiler và Hollande”. Nhà sách này còn chụp ảnh đăng lên mạng xã hội Twitter. Một nhà sách ở Paris nói thẳng: “Chúng tôi không phải là cái máy giặt đồ dơ của bà Trierweiler”.
Một nhà sách khác lịch sự thông báo: “Rất tiếc, chúng tôi không còn sách (của bà Trierweiler) để bán nhưng chúng tôi có tác phẩm của Balzac, Dumas, Maupassant...”.
Trong khi đó, nhiều nhà sách thông báo “cháy hàng” sau 2 ngày bày sách lên kệ với giá 20 euro/cuốn. Merci pour ce moment được in 200.000 bản. Khách hàng tranh nhau mua và đặt mua đợt sau. Số nhà sách chuyên nghiệp này nhiều hơn gấp bội các nhà sách có cá tính chính trị.
Bình luận (0)