Chỉ sau vài giờ phát hành, Fnac - chuỗi cửa hàng văn hóa phẩm và đồ điện tử lớn nhất ở Pháp - cho biết cuốn sách đã đạt kỷ lục “sách bán chạy nhất 5 năm qua trong ngày phát hành đầu tiên”. Fnac dự báo NXB Les Arènes sẽ phải sớm tái bản vì 200.000 quyển in lần đầu sẽ không đủ để thỏa mãn nhu cầu.
Có 2 yếu tố khiến người Pháp muốn đọc. Thứ nhất, tác giả từng là phu nhân chưa kết hôn của Tổng thống Francois Hollande, đồng thời là một nhà báo tên tuổi “rành sáu câu” chính trường Pháp.
Cuộc sống chung “già nhân ngãi, non vợ chồng” kéo dài 9 năm bất ngờ đổ vỡ hôm 25-1 sau khi một tạp chí Pháp phát hiện ông Hollande “say” một diễn viên Pháp xinh đẹp.
Thứ hai, truyền thông Pháp cho biết Điện Élysée, tức Phủ Tổng thống Pháp, bị bất ngờ vì không hay biết có cuốn sách này. Suy ra, chắc phải có những bí mật động trời đằng sau cuộc tình gãy gánh giữa đường mà nếu nói ra sẽ ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị của đương kim tổng thống Pháp vốn đang lâm vào cảnh “lành ít dữ nhiều”.
Bà Valérie Trierweiler. Ảnh Reuters
Tiếng thét của ái tình
Theo tuần báo Paris Match, nội dung cuốn sách là “một tiếng thét ái tình và là một cuộc hành trình chầm chậm xuống địa ngục của tác giả”. Không có xì-căng-đan chính trị hay tiết lộ bí mật quốc gia nào ở đây.
Bà Trierweiler, năm nay 49 tuổi, chỉ làm mỗi một chuyện: Kể lại mối tình lãng mạn, say đắm với ông Hollande và phân tích nó dưới góc độ một người đàn bà từng mang tiếng giựt chồng (ông Hollande ngoại tình với bà trong lúc đã có vợ con đề huề) để rồi sau đó trở thành nạn nhân của một cuộc ngoại tình khác.
Trong 360 trang sách, tác giả dành những chương đầu nói về việc bị ông Hollande bỏ rơi. Theo bà, ông Hollande sống không trung thực. Nhưng vì yêu chồng, bà trở thành một nạn nhân đáng thương.
Trong câu chuyện ông Hollande ngoại tình với cô diễn viên xinh đẹp Julie Gayet, bà kể lại một chi tiết đắt giá: Được một đồng nghiệp nhắn tin cho biết tạp chí Closer sắp đưa tin và hình ảnh ông bí mật hẹn hò với người yêu trên trang bìa, bà chuyển tin nhắn đến ông Hollande để cảnh báo. Thay vì bối rối, ông này lạnh lùng hỏi:
- Ai báo tin cho em biết?
- Anh đừng hỏi vậy mà nên hỏi có gì phải tự trách hay không?
- Không, không có gì.
Thế là tôi yên lòng.
Ba trang tiếp theo, bà kể lại khi báo chí tiếp tục thông tin, bình luận theo chiều hướng khẳng định là ông Hollande có bồ nhí, đẹp hơn, trẻ hơn, bà chất vấn ông:
- Vậy là người ta nói đúng?
- Ừ, thì đúng.
- Cái gì đúng? Đúng là anh lên giường với con bé ấy?
- Ừ.
Lời thú nhận của ông Hollande khiến bà chới với. Bà kể lại: “Tôi mong xảy ra một kịch bản giống gia đình Clinton. Những lời xin lỗi công khai, một lời cam kết không bao giờ gặp lại cô gái ấy”. Thay vào đó là một thông báo ngắn gọn của ông Hollande trong bản tin của AFP: “Tôi xin thông báo rằng tôi đã chấm dứt việc sống chung với Valérie Trierweiler”.
Bị tổn thương nặng, bà suy sụp tinh thần. Bà thuật lại chuyện uống thuốc ngủ, tâm trạng ngổn ngang trong những ngày nằm viện: “Liều thuốc ngủ được tăng lên hàng chục lần để khỏi phải quay về nhà. Hệ thống tĩnh mạch của tôi không chịu nổi liều cao”.
Đau đớn phận nghèo
Giải thích cái số hẩm hiu trên đường tình, bà Trierweiler cho rằng mọi chuyện đều do xuất thân nghèo hèn. Bà kể lại tuổi thơ ấu ở chung cư HLM (nhà cho mướn giá rẻ). Cha bà là thương binh Thế chiến II còn mẹ là nhân viên thu ngân của một sân chơi trượt băng.
Nhà có đến 5 anh chị em, sống thiếu trước hụt sau. “Một trong những kỷ niệm tồi tệ nhất là tôi mang đôi giày to tổ bố của anh trai lúc đi học trường mẫu giáo”. Bà cũng tự mô tả là “gái không xinh”.
Ông Hollande, theo bà, có những thói quen của con nhà giàu như “chỉ thích ăn thịt chất lượng cao”. “Ông ấy tự giới thiệu là người không thích nhà giàu. Trong thực tế, tổng thống không ưa người nghèo. Đúng là trong gia đình tôi không ai tốt nghiệp ENA hay HEC. Cũng không ai có bệnh viện tư hay kinh doanh bất động sản như cha ông ấy”. (ENA và HEC là những trường đại học nổi tiếng, nơi đào tạo phần lớn các nhà lãnh đạo Pháp).
Từ nhận thức giàu nghèo đó, bà bình phẩm về gia đình của tình địch Julie Gayet. “Một thế giới nho nhỏ, đầy “gái xinh”, sành điệu, khách khứa đều là những người nổi tiếng. Họ bỏ phiếu cho cánh tả nhưng không có chút khái niệm về SMIC (lương tối thiểu)…”. Qua đây có thể hiểu tác giả ngầm giải thích tại sao ông Hollande không chịu cưới bà.
Tóm lại, sau khi than thân trách phận, hy sinh quá nhiều cho ông Hollande mà chỉ nhận lại “quả đắng”, tác giả đã bình phẩm người chồng bội bạc khá nặng nề. Chẳng hạn, về mặt chính trị, bà mô tả tổng thống là “vua đọc diễn văn, ai muốn hiểu sao cũng được” và “theo đuổi một chính sách theo đó có thể sống đồng thời hai ba mặt…”.
Đó chính là điều mà Điện Élysée ngán ngại nhất; cũng chính là nguyên nhân khiến bà Trierweiler viết, in ấn sách trong những điều kiện hết sức bí mật.
Sách ca ngợi bán ế
Merci pour ce moment là tác phẩm thứ ba của nhà báo Valérie Trierweiler.
Năm 2002, bà là đồng tác giả cuốn Les 60 jours de Jospin. Lionel Jospin là một chính khách Pháp có tiếng từng giữ các chức vụ cao cấp như bí thư đầu tiên của Đảng Xã hội dưới thời Tổng thống Francois Mitterand, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thủ tướng Pháp.
Tác phẩm thứ hai phát hành ngày 21-6-2002 có tựa đề Francois Hollande président: 400 jours dans les coulisses d’une victoire, là cuốn sách ảnh với lời bình sắc bén của bà Trierweiler, kể lại chuyện hậu trường mô tả một ông Hollande kiên trì, cương nghị và đắc thắng trong 400 ngày tham gia cuộc chạy đua vào Điện Élysée hồi năm 2012.
Tuy nhiên, cuốn sách ca ngợi ông Hollande nói trên đã thất bại hoàn toàn. Sau hơn 5 tuần lên kệ, chỉ bán được 1.174 cuốn, theo số liệu của Viện Edistat.
Kỳ tới: Những uẩn khúc đằng sau tác phẩm
Bình luận (0)