Cựu điệp viên 55 tuổi kể lại: "Sứ mệnh khi đó nhằm ngăn chặn Thế vận hội mùa hè Seoul năm 1988 diễn ra". Câu chuyện của cựu gián điệp Triều Tiên cho thấy Bình Nhưỡng đã chuẩn bị kỹ lưỡng để phá hoại Thế vận hội Mùa Hè năm 1988, vốn được xem là một minh chứng cho sự phát triển của Hàn Quốc khi đó.
Bà Kim cảnh báo rằng Triều Tiên không thay đổi kể từ khi bà còn là gián điệp cho chính quyền Bình Nhưỡng. Triều Tiên vẫn không xin lỗi về vụ đánh bom hoặc nhận trách nhiệm.
"Triều Tiên đang lợi dụng Hàn Quốc để vượt qua những khó khăn của họ... để đạt được mục tiêu, họ hành quyết chính người dân, anh chị em, gia đình. Đừng để bị lừa, Triều Tiên không hề thay đổi" – bà Kim cho biết trong bối cảnh hai nước chuẩn bị tham gia Thế vận hội mùa đông vào tháng tới tại TP Pyeongchang.
Cuộc phỏng vấn của bà Kim với đài CNN diễn ra trong một khách sạn ở Hàn Quốc và được đăng tải ngày 23-1. Bà Kim tới chỗ hẹn với sự bảo vệ của nhiều vệ sĩ.
Cựu điệp viên Triều Tiên Kim Hyon-hui. Ảnh: AP
Nơi ở của bà Kim, người nay đã là mẹ của hai con, không được tiết lộ trong khi chính phủ Hàn Quốc lo sợ Triều Tiên sẽ tìm cách bịt miệng bà.
Theo đài CNN, bà Kim từng được đào tạo trong hơn 7 năm để trở thành một điệp viên bí mật và có kiến thức sâu rộng về các hoạt động an ninh của Triều Tiên. Năm 18 tuổi, bà Kim được huấn luyện về hoạt động tình báo một năm trong một trại bí mật trên núi. Bà Kim được dạy võ thuật, bắn súng, truyền thanh và cách tồn tại trong môi trường hoang dã.
Cựu điệp viên học tiếng Nhật từ Yaeko Taguchi, một phụ nữ Nhật Bản mà bà cho rằng bị Triều Tiên bắt cóc và sống với người này trong hai năm. Sau đó, bà Kim được gửi đến TP Quảng Châu - Trung Quốc để học tiếng Quan Thoại.
Đến tháng 11-1987, bà Kim bất ngờ được gọi về Bình Nhưỡng. Cơ quan tình báo Triều Tiên quyết định giao sứ mệnh chết chóc cho bà Kim.
Bà Kim bị dẫn độ về Hàn Quốc vào tháng 12-1987. Ảnh: CNN
Nhận nhiệm vụ, bà Kim cùng một đồng nghiệp nam Kim Seung Il đến thủ đô Vienna – Áo để cải trang thành cặp đôi Nhật Bản và nhận một quả bom tại đây. Quả bom là một máy nghe đài radio Panasonic nhỏ có pin phía sau. Nó được thiết kế với một phần có thể hoạt động như bom, phần còn lại giống như chiếc máy nghe đài thông thường. Cả hai mang quả bom đến thủ đô Baghdad – Iraq và lọt qua cổng an ninh nghiêm ngặt đển lên chuyến bay định mệnh khởi hành đến Seoul.
Bà Kim đặt quả bom lên ngăn hành lý trên cao và uống một ít thuốc để thư giãn. Tiếp đến, cựu điệp viên và đồng phạm rời khỏi máy bay khi quá cảnh ở Abu Dhabi. Chiếc máy bay chở 115 người cùng quả bom nổ tung vào ngày 29 -11-1987 trên biển Andaman ngoài khơi bờ biển Myanmar
Cả hai sau đó bị bắt giữ tại Bahrain và quyết định uống chất độc xyanua để tự sát. Theo bà Kim, khi một điệp viên không thể hoàn thành sứ mệnh, họ phải tự kết liễu để bảo vệ bí mật, nếu không gia đình họ ở Triều Tiên sẽ bị tổn hại. Đồng phạm của bà Kim thiệt mạng trong khi bà bị mất nhận thức.
Bà Kim sau đó bị dẫn độ đến Hàn Quốc để điều tra và bị kết án tử hình. Vào năm 1990, cố Tổng thống Roh Tae-woo ra lệnh ân xá cho bà Kim bất chấp những lời chỉ trích từ đảng đối lập chính lúc bấy giờ. Sau khi được ân xá, bà làm việc cho Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc trước khi kết hôn với một trong những vệ sĩ của mình.
Mảnh vỡ của chiếc máy bay xấu số được đưa về Hàn Quốc ngày 22-5-1990. Ảnh: Yonhap
Bình luận (0)