Chính trị và chiến tranh thường đem lại những người bạn đồng hành lạ lùng, như trường hợp của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Về mặt lịch sử, hai nước này là thù địch nhưng nay họ gạt sang một bên những bất đồng để cùng hướng về các ưu tiên chung: Điều khiển cuộc nội chiến Syria và kìm hãm đà tiến tới khả năng tự trị lớn hơn của người Kurd.
Một phái đoàn quan chức quân sự và ngoại giao Iran, bao gồm Tướng Mohammad Hossein Bagheri, chỉ huy Quân đoàn Vệ binh cách mạng Hồi giáo, đã đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng trước để bàn nhiều vấn đề. Đây là cuộc họp đầu tiên kiểu này giữa Tehran và Ankara kể từ năm 1979, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác giữa 2 cường quốc khu vực.
Tuy nhiên, lợi ích chung chỉ đưa họ đi được tới đó. Quan điểm khác biệt về cách ứng phó với tình hình bất ổn ở Trung Đông dường như sẽ tạo ra nhiều xung đột hơn là hòa hợp giữa Iran và Thổ Nhĩ Kỳ về lâu dài.
Cuộc chiến Syria là ưu tiên số một của cả 2 nước nói trên. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đều xác định miền Bắc Syria là mối quan tâm chính của họ. Trong khi Ankara muốn giảm bớt các vùng lãnh thổ của người Kurd dọc theo biên giới của họ và Syria thì Tehran (và các lực lượng trung thành với chính phủ Syria được họ yểm trợ) tập trung đánh bại các nhóm phiến quân đóng tại tỉnh Idlib.
Bằng cách bắt tay với nhau, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ có thể đạt được mục đích riêng. Tuy nhiên, sự hợp tác này nhiều khả năng hạ cấp hơn nữa mối quan hệ vốn đã căng thẳng với Mỹ. Sau hết, Nga - đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Mỹ ở Trung Đông và nhiều nơi khác - cũng xen vào những thương lượng về Syria giữa Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo thỏa thuận đạt được với Nga và Iran, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến vào tỉnh Idlib của Syria để giám sát lệnh ngừng bắn giữa Damascus và quân nổi dậy Ảnh: TÂN HOA XÃ
Cho dù Mỹ có ý kiến ra sao thì triển vọng liên minh giữa Tehran và Ankara ở Syria sẽ không kéo dài. Hai nước này từ lâu đã đứng ở 2 phía đối nghịch trong cuộc nội chiến của nước láng giềng. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phản đối chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, còn Iran đứng vững sau lưng Damascus.
Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ không thấy dễ chịu khi Iran tăng dần ảnh hưởng ngay dọc biên giới mình trong những năm sắp tới. Trong khi đó, ở Iraq, tình hình còn bấp bênh hơn: Cuộc tấn công treo lơ lửng ở TP Tal Afar thuộc tỉnh Nineveh nhiều khả năng đẩy cao căng thẳng và kích động giao tranh giữa các lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ và Iran hậu thuẫn.
Riêng trường hợp khu tự trị người Kurd ở Iraq, lợi ích chồng lấn của Tehran và Ankara tạm thời đưa họ về chung chiến tuyến. Dù đều hưởng lợi từ mối quan hệ riêng với chính quyền khu tự trị, cả 2 nước vẫn không muốn vùng lãnh thổ này độc lập với Iraq bởi nếu vậy, tình hình khu vực sẽ càng bất ổn. Nghiêm trọng hơn, những mâu thuẫn với cộng đồng người Kurd sống tại Thổ Nhĩ Kỳ và Iran có thể vì sự kiện này mà tăng nhiệt.
Với Tehran, họ còn lo thêm chuyện người Kurd độc lập sẽ ảnh hưởng tới tương lai chính trị và kinh tế của Baghdad. Trong lúc này, Iran và Iraq đang hợp tác xây một bức tường ở biên giới chung để ngăn các tay súng người Kurd vượt biên qua lại.
Gữa Iran và Thổ Nhì Kỹ, không bên nào sẵn lòng hy sinh quan hệ với người Kurd ở Iraq để giúp nước kia kiểm soát cộng đồng người Kurd của riêng họ. Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá cao sự hợp tác với Đảng Dân chủ Người Kurd (KDP) trong khi Iran muốn giữ các mối liên hệ kinh tế và chính trị với Đảng Liên minh Người Kurd yêu nước (PUK) đối lập ở khu tự trị. Nếu Ankara và Tehran hợp sức ngăn người Kurd ly khai, họ sẽ phải cẩn trọng không để ảnh hưởng tới những mối quan hệ với đồng minh trong cộng đồng nói trên ở Iraq.
Dù còn lâu mới trở thành bạn bè keo sơn, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cho thấy khả năng hợp tác trên thực tế về những vấn đề cùng chung lợi ích. Những cuộc họp gần đây nhấn mạnh nhiều lĩnh vực mà họ có thể bắt tay để cùng hưởng lợi.
Giữa lúc Ả Rập Saudi đang tăng cường can dự vào khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran có thể bổ sung sự đề phòng sâu sắc dành cho vương quốc này vào danh sách các mối quan tâm chung. Nhưng về lâu dài, hai đối thủ này sẽ nhận ra điều bất đồng giữa họ vẫn nhiều hơn hẳn điểm tương đồng.
Bình luận (0)