Mục đích của hội nghị là cải thiện hiệu quả hoạt động cứu trợ, ứng phó khủng hoảng của các quốc gia và tổ chức nhân đạo.
Ủy ban Quốc tế Chữ thập đỏ (ICRC) đặc biệt kêu gọi hội nghị tập trung vào những ưu tiên như bảo vệ dân thường, bảo đảm hàng cứu trợ đến đúng tay người cần và xử lý tình trạng vi phạm luật nhân đạo quốc tế trong các cuộc xung đột.
Theo các nhà tổ chức, hơn 6.000 đại biểu sẽ tham dự hội nghị, trong đó có lãnh đạo và quan chức 175 quốc gia, đại diện doanh nghiệp, tổ chức từ thiện, tổ chức xã hội dân sự… Đáng chú ý, Thủ tướng Đức Angela Merkel là nhà lãnh đạo duy nhất của nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7, gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh, Mỹ) xác nhận tham dự sự kiện này. Một sự vắng mặt đáng kể khác là Tổng thống Nga Vladimir Putin
Hội nghị diễn ra giữa lúc thế giới đối mặt không ít cuộc khủng hoảng nhân đạo xuất phát từ các cuộc xung đột tại Syria, Iraq, Yemen, Nam Sudan…
Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Giám sát dịch chuyển nội địa (Thụy Sĩ), số lượng người buộc phải rời bỏ nhà cửa do chiến tranh, bạo lực và thiên tai bên trong đất nước mình đã tăng lên con số cao kỷ lục là 40,8 triệu trong năm 2015. Đáng chú ý, Yemen có thêm 2,2 triệu người, tương đương 8% dân số, lâm vào cảnh này, chủ yếu do các cuộc không kích của liên quân do Ả Rập Saudi đứng đầu.
Thực trạng trên đòi hỏi các cơ quan, nhân viên cứu trợ cần thêm nhiều sự hỗ trợ, nhất là về tài chính, để có thể làm công việc của mình tốt hơn. Liên Hiệp Quốc ước tính thế giới đang có hơn 130 triệu người cần cứu trợ nhân đạo. Nỗ lực này đòi hỏi khoản tiền 20 tỉ USD nhưng chỉ mới có 5 tỉ USD được cung cấp.
Nhiều người hy vọng hội nghị lần này dẫn đến hành động cụ thể hơn là lời hứa suông - điều từng xảy ra tại một hội nghị thượng đỉnh ở thủ đô London - Anh hồi tháng 2 qua. Một báo cáo mới chỉ ra rằng trong số 6 tỉ USD cam kết giúp đỡ người tị nạn Syria tại hội nghị này, chỉ mới có 1,16 tỉ USD được phân bổ tính đến tháng 4.
Bình luận (0)