Trong vụ việc mới nhất, 2 máy bay ném bom Xian H-6 của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) hôm 28-6 đi vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan từ hướng Đông sau khi bay từ biển Hoa Đông và đi qua eo biển Miyako.
Đây là lần thứ 10 máy bay chiến đấu của PLA có hành động như thế trong tháng vừa qua và là lần thứ 16 trong năm nay. Các nhà quan sát cho rằng động thái này vừa nhằm huấn luyện cho bất kỳ cuộc tấn công nào trong tương lai vừa gửi thông điệp cảnh báo đến Mỹ.
Đáp lại, Mỹ cũng điều một loạt chiến đấu cơ bay qua không phận Đài Loan, trong đó có 6 chiếc hôm 29-6. Một số nhà phân tích Trung Quốc cho rằng các sứ mệnh trên của Mỹ có lẽ nhằm giám sát hoạt động quân sự của Bắc Kinh tại khu vực.
Hai máy bay ném bom chiến lược Xian H-6 của Trung Quốc vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan hôm 28-6. Ảnh: South China Morning Post
Cơ quan quốc phòng Đài Loan khẳng định họ vẫn kiểm soát hoàn toàn mọi động tĩnh trên không và trên biển quanh hòn đảo này và kêu gọi công chúng bình tĩnh. Tuy nhiên, ông Su Chi, một cựu tướng lĩnh và từng là thành viên Hội đồng An ninh Đài Loan, bày tỏ nỗi lo về tình hình hiện tại.
"Với sự mất cân bằng quân sự giữa Đài Loan và đại lục, sự thiếu vắng các cuộc đối thoại giữa 2 bên và việc không có cơ chế liên lạc hiệu quả giữa Mỹ và đại lục, tôi không khỏi lo lắng về tình hình hiện tại bởi chuyện gì cũng có thể xảy ra" - ông Su nhận định.
Ông này nói đặc biệt lo ngại về đề xuất mới đây của thượng nghị sĩ Mỹ Josh Hawley về Đạo luật quốc phòng Đài Loan bởi nó có thể khiến chính quyền hòn đảo hy vọng hão huyền về khả năng Mỹ đến giải cứu họ.
Dự luật trên do ông Hawley công bố hôm 11-6, theo đó kêu gọi Mỹ thực hiện nghĩa vụ giúp Đài Loan phòng vệ như đã nêu trong Đạo luật quan hệ Đài Loan năm 1979. Dự luật yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ thực hiện các bước nhằm bảo đảm Đài Loan duy trì khả năng đánh bại "một cuộc tấn công" của PLA và đặc biệt là ngăn xảy ra tình thế "chuyện đã rồi".
Một chiến đấu cơ của Đài Loan. Ảnh: Reuters
Chiến đấu cơ F-16 của Đài Loan bay gần máy bay ném bom Xian H-6 Ảnh: Cơ quan quốc phòng Đài Loan
Tuy nhiên, ông Su cảnh báo chính quyền bà Thái Anh Văn chú ý đến từng câu chữ của dự luật. Đáng chú ý, cụm từ "chuyện đã rồi" đề cập đến tình huống Mỹ không thể cứu Đài Loan được nữa.
Điều này bao gồm kịch bản PLA chiếm đóng được Đài Loan trước khi Mỹ kịp ứng phó. Nếu điều này xảy ra, bất kỳ phản ứng quân sự nào của Washington cũng đều khó khăn và phải trả giá không nhỏ.
Ngoài ra, ông Su cảnh báo không nên quá chắc chắn vào chuyện Mỹ ra tay hỗ trợ Đài Loan trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc.
Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ mình và cảnh báo có thể thông nhất hòn đảo này bằng vũ lực nếu cần.
Bắc Kinh đã ngưng trao đổi chính thức với Đài Loan và tăng cường tập trận quanh hòn đảo này kể từ khi bà Thái Anh Văn lên làm lãnh đạo và từ chối công nhận nguyên tắc một Trung Quốc. Trung Quốc cũng không ngừng cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump không được cung cấp vũ khí và tăng cường quan hệ với Đài Loan.
Bình luận (0)