icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đa phương chống đơn phương ở WB

VĂN ANH

Paul Wolfowitz rời khỏi Ngân hàng Thế giới (WB) để lại một bài học cho Washington: Không thể quản lý định chế quốc tế này bằng sự áp đặt chủ nghĩa đơn phương của Mỹ. Tổng thống Bush có quyền chỉ định một nhà lãnh đạo WB người Mỹ mới nhưng lần này có lẽ phải là một ứng viên chịu hợp tác với châu Âu và thế giới thứ ba

Cựu thứ trưởng quốc phòng và "nhà kiến trúc" chính cuộc chiến ở Iraq tháng 3-2003 - Paul Wolfowitz - được Tổng thống (TT) Bush tiến cử làm chủ tịch WB cách nay gần tròn hai năm (Wolfowitz sẽ chính thức rời khỏi WB vào ngày 30-6).

Việc tiến cử nói trên chọc tức các nước châu Âu vốn chống đối kịch liệt cuộc chiến Iraq do Mỹ đơn phương tiến hành bất chấp sự phản đối của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Theo các nước này, đây rõ ràng là một ví dụ cho thấy TT Bush mạnh tay áp đặt chủ nghĩa đơn phương của mình vào một định chế mang tính đa phương với 185 nước thành viên.

Bố trí một con “diều hâu” vào một cơ quan quốc tế phân phối hằng năm hơn 20 tỉ USD tiền viện trợ chống đói nghèo, theo tờ Herald Sun (Úc), là một kiểu ngẫu hứng tồi tệ của Washington. Tuy nhiên, các nước châu Âu phải nhịn nhục chấp nhận vì một tục lệ bất thành văn: Chủ tịch WB là người của Mỹ, còn chủ tịch IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế) là người của châu Âu.

Quản lý tồi

Phủ bênh phủ, huyện bênh huyện, nhật báo Mỹ Wall Street Journal ngay từ đầu xì-căng-đan ông Wolfowitz (tùy tiện tăng lương cho người tình Shaha Riza) đã bênh vực người của Washington hết cỡ. Bài xã luận của tờ báo này chỉ đích danh các quan chức châu Âu và thế giới thứ ba ở WB đạo diễn vụ truất phế Wolfowitz. Vụ đảo chính này được các cường quốc châu Âu hậu thuẫn hết mình. Nguyên nhân chính không phải là vụ “hối lộ người yêu” (từ 132.660 USD/năm tăng lên 193.590 USD, cao hơn cả lương của ngoại trưởng Condoleezza Rice!) mà là chương trình cải tổ WB của Wolfowitz.

Dưới quyền lãnh đạo của Wolfowitz, WB hầu như trở thành một cơ quan thực thi chính sách ngoại giao của Mỹ. Dưới chiêu bài chống tham nhũng, nhiều khoản viện trợ xóa đói giảm nghèo dành cho các nước chống Mỹ đều bị cắt. Uzbekistan, chẳng hạn, bị Mỹ quy kết tham nhũng từ trên xuống dưới cho nên bị cắt viện trợ. Sự thật là do nước này không tiếp tục ký hợp đồng cho Mỹ mượn căn cứ không quân để chiến đấu ở Afghanistan.

Ngược lại, những chính phủ hữu hảo với Mỹ như Iraq hay Afghanistan hiện nay và các nước là khách hàng thân thiết của Mỹ được viện trợ một cách thoải mái. Để thực hiện chính sách này, ngoài chuyện đưa về hai trợ lý của Lầu Năm Góc và Nhà Trắng là Kevin Kellem và Robin Cleveland, Wolfowitz còn lôi kéo các chính trị gia cánh hữu các nước về làm vây cánh. Cựu ngoại trưởng Tây Ban Nha Ana Palacio và Juan Jose Daboub là hai trường hợp đáng chú ý nhất.

Chính Daboub với tư cách là một trong các giám đốc điều hành WB đã ra lệnh rút khỏi tàng thư của WB tất cả hồ sơ liên quan đến “dịch vụ sinh sản” và “thay đổi khí hậu” cho phù hợp với quan điểm của Washington là bác bỏ quyền phá thai và không chấp nhận thực tế trái đất ấm lên do tác động của con người.

Một chủ trương đơn phương như thế tất nhiên đi ngược lại với truyền thống của WB vốn là một tổ chức đa phương. Hơn nữa, như tờ Boston Globe đã nhận định, Wolfowitz là một người duy tâm hơn là một quản trị gia có nghề. Ông ta được ông Bush bổ nhiệm làm chủ tịch WB bởi vì không thể bổ nhiệm ông ta làm bộ trưởng quốc phòng hay cố vấn an ninh quốc gia do mắc sai lầm nghiêm trọng trong cuộc chiến ở Iraq tháng 3-2003.

img
Biểu tình yêu cầu Wolfowitz từ chức trước trụ sở WB ở Washington

Tự đào hố chôn mình

Tóm lại, nguồn gốc vụ xì-căng-đan này là cuộc đối đầu chính trị giữa một bên là Mỹ (với sự hậu thuẫn của Canada và Nhật) và bên kia là các cường quốc như Anh, Pháp, Đức. Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và các nước châu Phi theo phe châu Âu. Nói cách khác là một cuộc đấu tranh giữa đơn phương và đa phương.

Theo website World Socialist, Đức đóng vai trò chủ lực trong vụ cho nổ tung xì-căng-đan này. Đức đứng hàng thứ ba về mức đóng góp tài chính cho WB đồng thời là đương kim chủ tịch Liên hiệp châu Âu (EU). Ngày 19-4, ông Eckhardt Deutscher - đại diện Đức trong Ban Giám đốc WB - tuyên bố rằng ban lãnh đạo WB cần “sự tín nhiệm, tín nhiệm và tín nhiệm”. Phát biểu này nhằm bác bỏ những lời ông Wolfowitz hô hào chống tham nhũng trên toàn thế giới, trong khi lại làm điều ngược lại trong chính cơ quan mình mà điển hình là vụ tăng 36% lương cho bà Shaha Riza khi bà này được biệt phái từ WB qua Bộ Ngoại giao Mỹ.

Ngày 16-5, vụ việc lên đến đỉnh điểm. Bà Bộ trưởng Bộ Phát triển Đức Heidemarie Wieczorek-Zeul công khai đòi ông Wolfowitz từ chức, đồng thời cho biết ông Wolfowitz sẽ không được hoan nghênh tại diễn đàn viện trợ cho châu Phi mà WB tổ chức tại Berlin trong tuần này. Đồng nghiệp của bà này là Bộ trưởng Phát triển Hà Lan Bert Koenders cũng đe dọa rằng nếu Wolfowitz không từ chức, Hà Lan sẽ ngưng đóng góp tài chính cho WB.

Phần đóng góp của Hà Lan không đáng kể so với Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất cho nên có quyền lớn nhất trong việc chọn người đứng đầu WB. Đứng thứ hai là Nhật và kế tiếp là Đức, Pháp và Anh. Tuy nhiên, Hà Lan có đến hai viên chức cao cấp trong WB. Một trong hai người đó là giám đốc điều hành Herman Wijffels, người soạn thảo báo cáo cáo buộc Wolfowitz lẫn lộn chuyện công với chuyện tình cảm riêng tư. Chính báo cáo này đã khiến Wolfowitz không thể ngồi ghế chủ tịch WB lâu hơn nữa.

Wijffels nhận xét: “Suốt hai năm lãnh đạo WB, ông ta không hề triển khai được một chiến lược của WB cho ra hồn. Tôi đã nói chuyện với ông ta nhiều lần nhưng ông ta phớt lờ”. Nói một cách hình tượng, chính Wolfowitz tự đào hố chôn mình.

Liệu vụ xì-căng-đan này có phải là một vụ trả đũa của châu Âu và thế giới thứ ba (tức lực lượng đa phương) như tờ Boston Globe nói hay không? Có thể là như vậy. Trong hai năm ông Wolfowitz ngồi ghế chủ tịch WB, tình hình ở Iraq và cả Afghanistan ngày càng tồi tệ. Cơ sở chính trị của Washington vì vậy lung lay nhiều. Vị thế của Mỹ trên bàn cờ quốc tế suy yếu về nhiều mặt từ quân sự đến tinh thần. Vụ xì-căng-đan Wolfowitz là một biểu hiện của sự suy thoái đó. Nó cũng thể hiện quyết tâm của những cường quốc tư bản châu Âu kình địch với Mỹ, muốn đẩy lùi “siêu cường cô độc”. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo