Theo báo South China Morning Post (SCMP), bà Lâm lấy lý do dịch Covid-19 đang quay trở lại nên hoãn bầu cử. Trong cuộc họp báo chiều 31-7, đặc khu trưởng Hồng Kông nói rằng đây là quyết định khó khăn nhất mà bà từng đưa ra trong 7 tháng qua.
"Từ tháng 1 năm nay, chúng ta đã chiến đấu với đại dịch suốt 7 tháng. Dịch bệnh này đã giáng một đòn nặng vào nền kinh tế của chúng ta. Chúng ta không tự mãn. Cần phải cảnh giác cao độ mọi lúc và phản ứng. Chúng ta đang phải đối mặt với một tình huống nghiêm trọng. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gần đây cho biết đôi khi phải đưa ra một số lựa chọn khó khăn và quyết định của tôi hôm nay là khó khăn nhất" – bà Lâm phát biểu.
Đặc khu trưởng Hồng Kông sử dụng Pháp lệnh Khẩn cấp để thực hiện động thái nêu trên và được chính quyền trung ương Bắc Kinh ủng hộ.
Đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Ảnh: SCMP
Trước đó, 22 nghị sĩ ủng hộ dân chủ, bao gồm 4 người bị cấm tranh cử nhiệm kỳ kế tiếp, nhấn mạnh cuộc bầu cử LegCo là yếu tố cốt lõi của nền tảng Luật cơ bản Hồng Kông.
Theo Pháp lệnh Legco, các cuộc bỏ phiếu chỉ có thể được hoãn lại trong vòng 14 ngày. Phe đối lập Hồng Kông tuyên bố Luật cơ bản "không cho phép các hành vi thao túng (bầu cử) như vậy". Trong khi đó, bà Lam dự kiến dời cuộc bầu cử sang ngày 5-9 năm sau.
Một số nghị sĩ Hồng Kông bị loại khỏi cuộc bầu cử là Alvin Yeung Ngok-kiu, Dennis Kwo, Kwok Ka-ki, Kenneth Leung cùng một loạt nhân vật đối lập khác như Joshua Wong Chi-fung (Hoàng Chi Phong), Ventus Lau Wing-hong, Gwyneth Ho Kwai-lam và Alvin Cheng Kam-mun.
Trong khi đó, Tân Hoa Xã hôm 29-7 đưa tin Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc sẽ họp lại tại Bắc Kinh từ ngày 8 đến ngày 11-8 để thảo luận về một số đạo luật. Không có mục nào liên quan đến Hồng Kông được đưa vào chương trình nghị sự.
Bình luận (0)