Tại phiên điều trần, Shigeo Iizuka, người đứng đầu AFVKN đưa ra trường hợp em gái mình là Yaeko Taguchi bị Bình Nhưỡng bắt cóc vào năm 1978 và không được trao trả lại cho phía Nhật Bản.
Ông So Se Pyong đã lên tiếng phản bác và sau một hồi tranh luận, vị đặc phái viên Triều Tiên đập bàn đứng dậy và bỏ ra ngoài trước sự ngỡ ngàng của nhiều quan chức cấp cao trong cuộc họp.
Phản đối luận điểm của Iizuka, ông Pyong nói như gắt: “Tôi muốn làm rõ liệu ông có phải là đại diện cho chính phủ Nhật Bản hay không?”. Lúc đó, Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc Baudelaire Ndong Ella tuyên bố phát biểu của đại diện Nhật Bản là hoàn toàn hợp lệ và ông Pyong liền quay lưng đi thẳng.
Hồi năm 2002, Bình Nhưỡng thừa nhận họ đã bắt cóc hơn 10 công dân Tokyo trong vòng 2 thập kỷ và 8 trong số các nạn nhân đã chết.
Báo cáo từ nhóm nghiên cứu tại phiên điều trần cho biết ước tính có khoảng 200.000 người từ một số quốc gia khác, đặc biệt là Hàn Quốc bị chính quyền Triều Tiên bắt cóc hoặc mất tích sau khi đi du lịch ở nước này. Vụ việc gây căng thẳng cho mối quan hệ Nhật – Triều là vụ cô bé Megumi Yokota bị bắt cóc hồi năm 1977 trên đường đi học về và sau đó tới lượt bà cô bé cũng bị bắt tới Bình Nhưỡng.
Người đứng đầu nhóm nghiên cứu người Úc Michael Kirby nhấn mạnh: “Triều Tiên nên cho phép các gia đình có nạn nhân bị bắt cóc liên lạc với nhau qua e-mail, điện thoại và tạo điều kiện cho họ sớm trở về nhà”.
Cùng ngày, Trung Quốc đã bác bỏ bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc cáo buộc Triều Tiên phạm phải các tội ác chống lại loài người. Ông Chen Chuandong, thành viên của phái đoàn Trung Quốc tại Geneva, nói với Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc rằng ủy ban điều tra độc lập đã đưa ra những cáo buộc thiếu căn cứ cũng như những đề xuất thiếu thực tế.
Bình luận (0)