Các học sinh tiểu học và trung học tự tin thao tác trên máy tính tại văn phòng của công ty games và thương mại điện tử NetEase của Trung Quốc ở Hàng Châu, TP Thượng Hải - Trung Quốc. Chúng đang bận rộn làm video trò chơi trong hội trại tập huấn kéo dài 5 ngày về AI.
Ươm mầm AI
Hãng công nghệ khổng lồ này đã bắt đầu tổ chức các khóa học giá 740 USD trong các kỳ nghỉ của trường học từ vài năm trước. Các khóa học luôn được đặt kín ngay sau khi công ty bắt đầu nhận đơn. Theo trang Nikkei Asian Review (Nhật), đây là một phần của nỗ lực để phát triển một đội ngũ kỹ sư AI có thể thách thức sự thống lĩnh của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao. Nền kinh tế số 2 thế giới đang nhắm tới mục tiêu sản xuất nhiều hàng hóa tinh vi hơn theo kế hoạch đầy tham vọng mang tên "Made in China 2025".
Kiểm tra công nghệ trên màn hình tại triển lãm An ninh Trung Quốc tại Bắc Kinh vào tháng 10-2018 Ảnh: REUTERS
Người phụ trách chương trình trên của NetEase, bà Du Xin, cho hay AI vô cùng quan trọng trong xã hội ngày nay nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu rõ. Bà Du hy vọng hội trại này sẽ khiến các bạn trẻ quan tâm hơn. Tập đoàn công nghệ Tencent Holdings ở Thâm Quyến và các công ty dịch vụ internet khác của Trung Quốc cũng có những chương trình tương tự.
AI là "môn học" mới nhất gây sốt trong hoạt động giáo dục trẻ nhỏ tại Trung Quốc. Nhiều trường ngôn ngữ ở Thượng Hải nay có các khóa dạy AI, bên cạnh các lớp tiếng Anh và tiếng Nhật. Wang Hao, một bà nội trợ ở Thượng Hải, đã cho con trai học tiểu học tới lớp AI bởi nghe nói sẽ có nhiều việc làm liên quan đến AI với mức lương cao.
Theo trang việc làm Boss Zhi Pin, lương trung bình của các kỹ sư AI ở Trung Quốc dao động từ 4.300-5.000 USD/tháng và tăng lên mỗi năm. Trong khi đó, một nhân viên văn phòng thông thường kiếm được khoảng 1.800 USD ở Bắc Kinh và 1.500 USD ở Thượng Hải.
Cuộc chạy đua của các phụ huynh cho con em sớm nắm bắt AI thông qua các trại tập huấn nói trên hẳn khiến các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh vững dạ. Trung Quốc luôn lo ngại bị Mỹ bỏ xa trong lĩnh vực đào tạo kỹ sư AI. Trong tổng số khoảng 1,9 triệu kỹ sư trên toàn thế giới, khoảng 850.000 người ở Mỹ, Trung Quốc chỉ có khoảng 50.000 người, theo một khảo sát của mạng xã hội săn việc làm LinkedIn.
Theo khảo sát của Tencent năm 2017, khoảng 370 trường đại học trên toàn cầu đào tạo kỹ sư AI, trong đó khoảng 170 trường ở Mỹ trong khi Trung Quốc có 20 trường. Nhiều kỹ sư AI Trung Quốc được đào tạo ở Mỹ nhưng Bắc Kinh rất muốn bồi dưỡng tài năng trong nước. Trước mắt, cuộc đối đầu thương mại với Washington được cho là có thể khiến các sinh viên khoa học công nghệ từ đất nước tỉ dân khó lòng lấy được visa Mỹ. Chính phủ và các công ty tư nhân của Trung Quốc đang hy vọng tìm kiếm lợi thế bằng cách đưa môn học AI tới với trẻ nhỏ. Gần đây, sách giáo khoa cho học sinh tiểu học, THCS đã được xuất bản và hàng trăm trường học có kế hoạch đưa AI vào giảng dạy mùa xuân này.
Mỹ sốt ruột
Hồi tháng 9-2018, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhấn mạnh tại Hội nghị AI thế giới ở Thượng Hải rằng chính phủ sẽ trợ giúp phát triển AI. Chừng nào chính phủ Trung Quốc vẫn coi AI là chìa khóa cho cuộc chiến với Mỹ về uy thế công nghệ, sự bùng nổ của giáo dục AI sẽ tiếp diễn.
Về phía Mỹ, mối lo ngại nguy cơ bị Trung Quốc vượt mặt về AI cũng không hề nhỏ khi Bắc Kinh nhắm mục tiêu dẫn đầu thế giới về AI vào năm 2030 và cam kết đổ hàng tỉ USD vào tham vọng này.
Quân đội và cộng đồng tình báo Mỹ từ lâu đã đóng vai trò lớn trong ngành công nghệ nước này. Họ duy trì quan hệ gần gũi với nhiều "gã khổng lồ" công nghệ của Thung lũng Silicon. Tuy nhiên gần đây, mối quan hệ này đã có phần giãn ra. Vào năm 2013, các tài liệu bị rò rỉ từ "người thổi còi" Edward Snowden đã để lộ quy mô rộng khắp của hoạt động do thám của các cơ quan tình báo đối với người Mỹ, bao gồm giám sát cả những người dùng của một số công ty internet lớn.
Năm 2016, sự chống đối càng lớn sau khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) yêu cầu Apple tạo một phần mềm đặc biệt để giúp họ tiếp cận một chiếc iPhone bị khóa thuộc về tay súng liên quan tới vụ xả súng hàng loạt ở San Bernardino, bang California.
"Sau vụ rò rỉ của Edward Snowden, nổi lên nhiều lo ngại về số phận của những công ty ở Thung lũng Silicon khi hợp tác với cộng đồng an ninh quốc gia. Không có gì khó hiểu khi những công ty này trở nên dè chừng trong mối quan hệ đó" - chuyên gia Gregory Allen của Trung tâm An ninh Mỹ mới, nói.
Theo The New York Times (Mỹ), rõ ràng Lầu Năm Góc cần trợ giúp về AI từ Thung lũng Silicon - nơi hội tụ của các tài năng trong lĩnh vực này. Và sự gắn bó của các tài năng xuất chúng này với những công ty công nghệ của Mỹ là hết sức bền chặt bởi đó là những câu chuyện liên quan tới hàng triệu USD. Câu hỏi khiến giới chức Lầu Năm Góc đau đầu là các công ty công nghệ nắm giữ tất cả các tài năng AI như vậy, ai sẽ đào tạo thế hệ chuyên gia AI tiếp theo? Và đó chính là một phần lý do thúc đẩy Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp yêu cầu chính quyền nước này tăng cường ưu tiên phát triển AI ngay đầu tháng này.
Đào tạo các nhà khoa học vũ khí
Theo tiết lộ của The South China Morning Post (Hồng Kông) hồi cuối năm 2018, Trung Quốc tuyển lựa những học sinh thông minh nhất từ các trường THPT để bắt đầu chương trình đào tạo trở thành các nhà khoa học vũ khí AI trẻ nhất thế giới. 27 nam sinh và 4 nữ sinh, ở độ tuổi dưới 18, đã được tuyển chọn từ hơn 5.000 ứng viên cho "chương trình thử nghiệm hệ thống vũ khí thông minh" kéo dài 4 năm tại Viện Công nghệ Bắc Kinh (BIT).
Hoàn thành khóa học, các em sẽ tiếp tục theo học chương trình tiến sĩ và trở thành các nhà lãnh đạo tiếp theo của chương trình vũ khí AI Trung Quốc. Mỹ được cho là cũng có các chương trình tương tự do Cơ quan Dự án Nghiên cứu quốc phòng cấp cao Mỹ vận hành, song các chương trình này được thực hiện bí mật và chỉ tuyển những nhà khoa học có tên tuổi.
Bình luận (0)