Ít nhất 5 người đã thiệt mạng, hơn 20 người bị thương trong cuộc xô xát hôm 16-8 giữa những người chống đối và lực lượng an ninh ở phần đất Kashmir do Ấn Độ cai quản. Như vậy, số người tử vong trong các vụ biểu tình khắp khu vực tranh chấp này thời gian gần đây đã lên đến 63.
Xung đột Kashmir
Thung lũng Kashmir lâu nay vẫn được đặt trong tình trạng thiết quân luật nghiêm ngặt nhưng những người chống đối tiếp tục đổ ra đường hô vang các khẩu hiệu chống Ấn Độ, một số còn ném đá vào lực lượng an ninh đang cố giải tán họ.
Ấn Độ quả quyết Pakistan đã ủng hộ phong trào bạo lực ở Kashmir nhưng Islamabad kiên quyết phủ nhận và gọi quân nổi dậy Kashmir là các chiến binh tự do. Theo kênh Al Jazeera, phong trào chống Ấn Độ đang tồn tại ở khu vực Kashmir, nơi tập kết số lượng binh sĩ khổng lồ nhằm xử lý các phần tử nổi dậy.
Cuộc xung đột Kashmir là sự tranh chấp lãnh thổ chủ yếu giữa Ấn Độ và Pakistan, nổ ra ngay sau khi Ấn Độ bị chia cắt năm 1947 - Pakistan tách ra, trở thành quốc gia độc lập theo kế hoạch của Anh. Hai nước này đã giao tranh trong 3 cuộc chiến liên quan đến Kashmir vào các năm 1947, 1965 và 1999.
Phát biểu nhân Ngày Độc lập hôm 15-8, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã phê bình Pakistan vi phạm nhân quyền ở Balochistan, Gilgit và Kashmir - do Pakistan kiểm soát. “Tôi biết ơn nhân dân ở các địa phương này, những người đã cảm ơn tôi trong vài ngày qua” - ông Modi nhấn mạnh. Đó được xem là câu trả đũa bình luận của Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif một ngày trước rằng “Kashmir không phải là chuyện nội bộ của Ấn Độ”.
Ông Sameer Patil, thành viên tổ chức tư vấn Gateway House ở Mumbai, nhận định với hãng tin Firstpost: “Tuyên bố của ông Modi phải được xem xét trong bối cảnh bình luận về Kashmir của cao ủy Pakistan Abdul Basit hôm 14-8. Việc đề cập Balochistan là để phản đối những gì ông Basit đã nói”. Theo tờ Indian Express, ông Basit tuyên bố ở New Delhi rằng Pakistan dành trọn Ngày Độc lập của mình để vận động cho sự tự do của Kashmir.
Mấu chốt của những bất đồng trong quan hệ Ấn Độ - Pakistan là hành động tranh chấp ở khu vực biên giới Kashmir do lịch sử để lại. Kashmir hiện được chia làm hai phần - một do Ấn Độ cai quản và phần kia là của Pakistan. Từ khi được trao trả độc lập, hai nước này đều coi Kashmir - vốn có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng - là mảnh đất thiêng liêng, lãnh thổ bất khả xâm phạm của mình.
Điểm nóng mới
Đây là lần thứ hai trong vòng 1 tuần qua, ông Modi nhắc đến Balochistan, tỉnh có trên 13 triệu dân với tầm quan trọng về địa chính trị và kinh tế. Tuần trước, tại cuộc họp bàn về tình trạng bạo loạn ở Kashmir giữa các bên, Thủ tướng Ấn Độ tuyên bố: “Đã đến lúc Pakistan phải trả lời thế giới về những hành động tàn ác đối với người dân Balochistan và Kashmir do Pakistan kiểm soát”.
Trước đó, Cố vấn An ninh quốc gia của Ấn Độ AK Doval, một người nổi tiếng “diều hâu”, gần như đe dọa Pakistan khi cảnh báo nước láng giềng gây rắc rối của Ấn Độ có thể mất Balochistan.
“Thông điệp quan trọng hơn gửi Pakistan từ Thủ tướng Ấn Độ là những kẻ sống trong những căn nhà kính không nên ném đá. Điều Ấn Độ muốn nói là chúng tôi lâu nay đã phớt lờ vấn đề Balochistan. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là chúng tôi không thể nêu lên vấn đề này” - G. Parthasarathy, cựu cao ủy Ấn Độ ở Pakistan, nhấn mạnh.
Qua bình luận của Thủ tướng Modi về Balochistan, dư luận nhận định Ấn Độ không chỉ thay đổi chính sách của mình mà còn thay đổi cách xử trí để đối phó hành vi khiêu khích của Pakistan đối với Kashmir. Quan điểm mới của Ấn Độ có thể thu hút sự chú ý toàn cầu đối với các vấn đề nội bộ xa xưa của Pakistan.
Tuy nhiên, tạp chí Foreign Policy nhận định lập trường của Ấn Độ về Balochistan cần được phân tích kết hợp với lịch sử tranh chấp của nước này trong khu vực. Trong khi đó, theo ông Sartaj Aziz, cố vấn của Thủ tướng Pakistan về ngoại giao, việc nhắc đến Balochistan của ông Modi đã minh chứng cho khẳng định của Islamabad rằng Ấn Độ xúi giục khủng bố ở tỉnh này qua cơ quan tình báo RAW của họ.
Nhiều năm qua, Pakistan vẫn đổ lỗi cho Ấn Độ về hành động nổi dậy ở Balochistan - đã trở thành điểm tranh chấp giữa 2 nước, nhất là sau khi Pakistan bắt sĩ quan hải quân Kulbhushan Jadhav hồi tháng 3-2016 vì âm mưu phá hoại. Thượng viện Pakistan gần đây cũng đã nhất trí thông qua nghị quyết yêu cầu chính phủ chuẩn bị hồ sơ về “sự can thiệp của Ấn Độ” vào các vấn đề nội bộ của Pakistan, kích động nổi loạn, gây bất ổn và khủng bố, đồng thời gửi hồ sơ này cho các nước khác và các tổ chức quốc tế.
Giống như Kashmir, Balochistan cũng có một lịch sử sóng gió khi từng bị vùi dập trong hành động can thiệp quân sự và xâm chiếm. Thời điểm Pakistan ra đời vào năm 1947, các nhà cai trị Kalat - một phần tỉnh Balochistan ngày nay - đã từ chối gia nhập quốc gia mới. Thế là Pakistan đưa quân đến xâm lược vùng lãnh thổ này vào tháng 3-1948.
Sau đó, mặc dù nhà cai trị Kalat lúc ấy là Yar Khan đã ký hiệp ước gia nhập, các anh em và thuộc hạ của ông vẫn tiếp tục chiến đấu, gây nên cuộc xung đột đầu tiên giữa người dân Balochistan và quân đội Pakistan. Tính đến nay, đã có 5 đợt nổi dậy ở tỉnh này với hàng ngàn người chết. Vào các năm 1962-1963 và 1973-1977, người dân Balochistan đã thực hiện các chiến dịch bạo lực đòi độc lập từ Pakistan.
Chính phủ Pakistan đặc biệt quan tâm đến khu vực này vì 2 nguyên nhân chính: Balochistan là vùng đất giàu có khoáng sản và nơi đây đang mọc lên một hải cảng khổng lồ với nguồn đầu tư ồ ạt từ “người bạn” Trung Quốc. Vì thế, bất cứ sự rối loạn nào ở Balochistan đều có thể khiến Bắc Kinh rút lại nguồn đầu tư.
Lại hiềm khích
Tuyên bố của Thủ tướng Modi hôm 15-8 đã gây ra một cuộc khẩu chiến giữa 2 bên. Hậu quả là cùng ngày, Ấn Độ đã bác bỏ lời mời của Pakistan tham gia đàm phán về Kashmir.
Ngoài ra, các nguồn tin chính phủ Ấn Độ khẳng định với hãng tin ANI rằng Bộ trưởng Bộ Tài chính Arun Jaitley sẽ không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Bộ trưởng Tài chính Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (Saarc) ở Islamabad trong 2 ngày 25 và 26-8. Thư ký bộ trưởng Shashikant Das sẽ đại diện Ấn Độ tại hội nghị này.
Bình luận (0)