Trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 11-3 chính thức gọi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) là đại dịch, ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo thế giới lên tiếng cảnh báo hoặc ra tay hành động.
Tại TP Frankfurt - Đức, Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cảnh báo đại dịch Covid-19 có thể gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Còn tại thủ đô Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng 2/3 dân số đất nước có thể bị nhiễm virus gây Covid-19 (gọi là SARS-CoV-2). Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson tung ra gói giải cứu trị giá gần 40 tỉ USD để giảm bớt tác động của cú sốc mới này đối với nền kinh tế.
Tuy nhiên, những phản ứng như thế vẫn thiếu kết nối giữa lúc chính phủ nhiều nước vật lộn với một loạt thách thức đến từ Covid-19, từ hệ thống y tế quá tải đến thiệt hại kinh tế và số người tử vong không ngừng gia tăng.
Hành khách đeo khẩu trang ở sân bay Adolfo Suarez Barajas của thủ đô Madrid - Tây Ban Nha ngày 12-3 Ảnh: REUTERS
Chưa hết, theo tờ The New York Times, "dàn hợp xướng" nói trên còn đang thiếu người chỉ huy - vai trò từng được Mỹ nắm giữ trong phần lớn kỷ nguyên hậu Thế chiến II. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 12-2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump không làm việc với các nhà lãnh đạo khác để đưa ra các biện pháp ứng phó chung mà lựa chọn hướng đi riêng. Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng đêm 11-3 (giờ địa phương), ông Trump thông báo lệnh cấm tất cả hoạt động đi lại từ châu Âu, ngoại trừ Anh, vào Mỹ trong vòng một tháng. Lý do ông đưa ra, dù không nêu bằng chứng, là phản ứng ban đầu lỏng lẻo của Liên minh châu Âu (EU) khiến có thêm nhiều ca Covid-19 xuất hiện tại Mỹ.
Tình trạng mỗi nước một phách khi ứng phó Covid-19 một phần xuất phát từ cơ chế lây nhiễm bí ẩn và sự lây lan không ngừng. Ông Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ), nhận định bản chất của cuộc khủng hoảng hiện nay khác với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và các công cụ truyền thống tỏ ra không hiệu quả. Có thể hiểu được các nước đang tập trung hạn chế tác động tiêu cực của Covid-19 đối với kinh tế nhưng theo ông Haass, bước đi này là hấp tấp. Ông cho rằng các nước nên tập trung nguồn lực để làm giảm tốc độ và quy mô lây lan của virus SARS-CoV-2 trước khi thực hiện các chương trình giải cứu kinh tế.
Vấn đề ở đây là nỗ lực khống chế dịch tại một số nước đang gặp khó khăn vì những lý do khác nhau. Chẳng hạn tại Mỹ, tình trạng thiếu hụt bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 khiến các quan chức không thể nắm rõ quy mô của đợt bùng phát Covid-19 dù ca nhiễm đầu tiên xuất hiện nhiều tuần trước đó. Còn tại Ý, tranh cãi nổ ra giữa các chính khách và chuyên gia y tế về việc liệu nhà chức trách có xét nghiệm quá nhiều người ở vùng Lombardy, thổi phồng số ca nhiễm và khiến công chúng hoang mang. Chưa hết, cuộc chiến chống Covid-19 đang hoành hành tại quốc gia châu Âu này còn gặp khó bởi phong trào chống vắc-xin.
Những người ủng hộ chủ nghĩa dân túy cũng gây cản trở khi họ quy trách nhiệm dịch bệnh cho biên giới mở và người di cư. Theo tờ The Washington Post, các đảng cực hữu ở Pháp, Đức và Tây Ban Nha đã lợi dụng sự lây lan của SARS-CoV-2 để kêu gọi tăng cường kiểm soát biên giới.
Hứa hẹn hỗ trợ "chưa từng có" ở Mỹ
Trong bài phát biểu hôm 11-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết sẽ có hành động "chưa từng có" để giảm bớt thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra. Cụ thể, ông Trump cho biết đang chỉ thị Bộ Tài chính Mỹ lùi thời hạn nộp thuế liên bang đối với các cá nhân và doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh. Theo ông chủ Nhà Trắng, bước đi này sẽ giữ lại khoảng 200 tỉ USD trong nền kinh tế.
Ngoài ra, tổng thống Mỹ yêu cầu quốc hội chi thêm 50 tỉ USD cho chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, giúp họ vượt qua những gián đoạn tạm thời. Trước đó, ông Trump đã ký thông qua gói chi tiêu khẩn cấp trị giá 8,3 tỉ USD hôm 6-3. Khoản tiền này được cấp cho hoạt động nghiên cứu vắc-xin và thuốc đặc trị cũng như hỗ trợ nỗ lực phòng ngừa và khống chế dịch bệnh tại các bang.
Cho đến giờ, các ca Covid-19 đã xuất hiện tại ít nhất 38 bang và thủ đô Washington. 16 bang đã ban bố tình trạng khẩn cấp, trong đó 3 cái tên mới nhất gia nhập danh sách này hôm 10-3 là Bắc Carolina, Colorado và Massachusetts.
Bình luận (0)